Một nghiên cứu mới do bà Psyche Loui từ Phòng thí nghiệm Hình ảnh Âm nhạc và Động lực học Thần kinh của Trường Đại học Northeastern (Mỹ) dẫn đầu đã trả lời những câu hỏi cụ thể liên quan đến khả năng của âm nhạc.
Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn những người lớn tuổi khỏe mạnh về mặt nhận thức. Cùng với một nhà trị liệu âm nhạc, mỗi tình nguyện viên đã tạo ra hai danh sách nhạc. Một danh sách được đặt tên là “tiếp thêm sinh lực” và danh sách còn lại là “thư giãn”.
Tình nguyện viên được nghe nhạc từ danh sách tự chọn của họ với tần suất một giờ mỗi ngày trong suốt tám tuần. Trải nghiệm âm nhạc này được thiết kế để tập trung. Vì vậy, người tham gia được yêu cầu chú ý đến tâm trạng, cảm xúc và ký ức khi nghe nhạc.
Khi bắt đầu và kết thúc nghiên cứu, mỗi tình nguyện viên sẽ thực hiện một bài kiểm tra hình ảnh não và được nghe 24 đoạn trích âm thanh khác nhau. Sáu trong số những bản nhạc đó do người tham gia tự chọn. Trong khi đó, phần còn lại là những bản nhạc thuộc nhiều thể loại khác nhau do nhóm nghiên cứu chọn.
“Chúng tôi đã thấy những thay đổi, đặc biệt là sự kết nối giữa mạng lưới thính giác và vỏ não trước trán. Chúng tôi cũng thấy rằng, mạng lưới kiểm soát điều hành phù hợp, bao gồm các khu vực quan trọng đối với sự chú ý và chức năng điều hành, đã trở nên chính xác hơn sau khi can thiệp”, nhà nghiên cứu Loui lưu ý.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên một sự can thiệp dựa trên âm nhạc được chứng minh là có thể gây ra những cải thiện trong kết nối giữa các mạng não cụ thể.
Phát hiện quan trọng khác trong nghiên cứu là so với các loại âm nhạc xa lạ, nhạc tự chọn có hiệu quả hơn nhiều trong việc cải thiện trí nhớ của người cao tuổi. Bà Loui cũng nói thêm, âm nhạc tự chọn mang lại hiệu quả nhất dường như là những bài hát gắn liền với năm tháng tuổi trẻ của người tham gia.
“Chúng tôi đã cho những người tham gia nghe khoảng 1/3 nhạc tự chọn và 2/3 do nhà nghiên cứu chọn. Đồng thời, quét não của họ, để có thể so sánh hoạt động của não giữa nhạc tự chọn và nhạc người khác chọn.
Chúng tôi nhận thấy, âm nhạc tự chọn có hiệu quả hơn trong việc thu hút não bộ. Người tham gia có xu hướng đạt hiệu quả nhất khi nghe nhạc quen thuộc với họ từ tuổi thanh, thiếu niên đến khi mới trưởng thành”, nhà nghiên cứu Loui giải thích.