Tỷ phú chân đất

GD&TĐ - Với số vốn ít ỏi ban đầu, nhiều nhà nông, trong đó có cả người dân tộc thiểu số đã quyết tâm thoát nghèo từ chính mảnh đất quê hương mình. Bàn tay và khối óc, sự cần cù và nhẫn nại đã giúp họ trở thành những tỷ phú nông dân tiêu biểu của năm 2018.

Cây bưởi Diễn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân
Cây bưởi Diễn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân

Mỗi năm lãi 6 tỷ đồng

Tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ xây dựng đã đem lại cho anh Nguyễn Chí Tám, 47 tuổi, ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, 100 tỷ đồng/năm, trong đó, lợi nhuận là 6 tỷ đồng. Đằng sau thành công này là cả một chặng đường vất vả, dám nghĩ, dám làm hàng chục năm trời anh Tám mới có được. Thậm chí, đã có lần anh Tám đã nản lòng vì đàn heo bị dịch bệnh, bao công sức và tiền bạc mất trắng.

Tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Chí Tám chọn lập nghiệp trồng cây café ở Đắk Lắk. Bôn ba kiếm sống ở xứ người cũng dành dụm được chút tiền nhưng lúc nào anh cũng mong muốn sẽ trở về làm giàu trên chính quê hương mình. Vì thế, cách đây 11 năm, anh Tám đã về quê, cùng một người bạn thuê lại một trang trại đang làm ăn thua lỗ ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Song do làm ăn thua lỗ, người bạn rút lui. Trang trại vừa gây dựng được đành phải chuyển nhượng với số tiền 250 triệu đồng.

Một mình đứng ra lập nghiệp, anh Tám phải vay tiền để tiếp tục đầu tư trang trại theo mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc và trồng cây cam Vinh, bưởi Diễn. Những năm đầu do không có kinh nghiệm nên đàn lợn bị dịch bệnh, thua lỗ lớn. Cây cối không phát triển. Tiền vốn và công sức bỏ ra nhiều mà chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, với quyết tâm bám trụ làm giàu bằng được trên chính quê hương mình, anh Tám học hỏi kinh nghiệm từ các lớp học khuyến nông, từ chia sẻ của các nhà khoa học, dần dần trang trại đã có nguồn thu.

Hiện với trang trại có diện tích 4,5ha, mỗi năm gia đình anh Tám thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. Cụ thể, với tổng đàn lợn có thường xuyên 1.600 con, trong đó 200 con lợn nái, 1.400 con lợn thịt, mang lại doanh thu đạt 22 tỷ đồng/năm. Nguồn lợi nhuận từ trồng trọt và chăn nuôi này đem lại cho gia đình anh Nguyễn Chí Tám 3 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, công ty xây dựng của anh có doanh thu mỗi năm là 80 tỷ đồng, đem lại nguồn lợi nhuận 3 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ xây dựng 100 tỷ đồng/năm giúp cho gia đình anh Tám có được khoản lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm.

Với thành tích đã đạt được trong những năm qua, anh Nguyễn Chí Tám đã nhận được những phần thưởng cao quý như: Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2015 vì có thành tích xuất sắc, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2014; Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghệp Việt Nam (có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam); Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam 2017 (có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2017); Giấy khen của UBND huyện Thọ Xuân năm 2017 (có nhiều thành tích trong phong trào thi đua Hộ NDSXKDG giai đoạn 2015 - 2017).

Làm giàu từ cây quýt vàng Bắc Sơn

Anh Đặng Văn Lương làm giàu từ cây quýt vàng Bắc Sơn
Anh Đặng Văn Lương làm giàu từ cây quýt vàng Bắc Sơn 

Từ 5 triệu đồng tiền vốn ban đầu, đến nay vườn quýt vàng Bắc Sơn và chăn nuôi, mỗi năm đem lại cho gia đình anh Đặng Văn Lương, dân tộc Tày ở thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) hàng tỷ đồng. Sinh năm 1967, học hết phổ thông, Đặng Văn Lương vào học Trường Trung cấp Thương mại Thái Nguyên (khóa 1986 - 1989).

Sau khi tốt nghiệp, anh Lương trở về nhà tiếp quản nghề nông, trồng ngô, khoai, sắn, chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Làm nông vất vả, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng thấy cũng chỉ đủ ăn, vì thế anh Lương đã nhen nhóm ý định trồng quýt Bắc Sơn để vươn lên thoát nghèo.

“Tôi thấy cây quýt Bắc Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao, rất thích hợp trồng ở Bắc Sơn. Khi đó, người dân chủ yếu trồng quýt trong rừng sâu. Tôi nghĩ, cần thử nghiệm mang ra trồng ở ven rừng, chấp nhận vất vả chăm sóc và phải đầu tư bón phân cho cây nhiều hơn, bởi đất ở đây bạc màu”, anh Lương chia sẻ.

Năm 2000, anh Lương quyết định trồng thử nghiệm 100 cây quýt bản địa theo phương pháp gieo cây. Năm 2003, anh Lương khởi nghiệp trồng 500 cây quýt trên toàn bộ 1 ha đất của gia đình. Năm 2006, vợ chồng anh Lương phải vay ngân hàng 10 triệu đồng mới có đủ tiền mua thêm 1,5ha đất trồng quýt. Sau 8 năm, vụ quýt đầu tiên cho quả nhưng bán hết cũng chỉ đủ tiền đầu tư phân bón và công chăm sóc. Vụ thu hoạch thứ hai, cây quýt cho sản lượng gấp chục lần năm trước. Đây chính là nguồn động viên vô giá, bởi anh Lương thấy hướng xóa đói giảm nghèo từ cây quýt đặc sản Bắc Sơn là hoàn toàn đúng đắn. Gia đình anh Lương quyết định trồng toàn bộ quýt vàng ở 2,5ha đất.

Nếu như năm 2014, bán hết quýt gia đình anh Lương thu về 40 triệu đồng thì năm sau, số tiền đó tăng lên gấp đôi. Năm 2016 là 500 triệu và năm 2017, tuy mất mùa nhưng vườn quýt cũng mang lại nguồn thu 350 triệu. Đặc biệt, hai năm qua, anh Lương đã trồng cây ăn quả “Quýt vàng Bắc Sơn” theo tiêu chuẩn VietGAP. Đầu ra sản phẩm ổn định ở thị trường Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang. Trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn, áp dụng khoa học tiên tiến, vì thế, dự đoán năm nay, vườn quýt sẽ cho gia đình anh khoảng 35 tấn quả. Trong đó, loại 1, khoảng 8 - 9 quả/kg, giá bán ra 30.000 đồng, loại 2 giá 20.000 đồng, loại 3 là 15.000 đồng.

Để có nguồn phân bón hữu cơ cho cây, anh Lương đồng thời phát triển mô hình chăn nuôi trâu, lợn và gà. Nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đã đem lại cho cuộc sống gia đình anh Lương từ chỗ khó khăn, đến đủ ăn và nay là giàu có trong vùng bởi lợi nhuận thu được tăng cao: Năm 2016 và 2017 là 1,4 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 khoảng 2 tỷ đồng.

Quyết tâm làm giàu ngay chính quê hương đã giúp cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm như anh Tám, anh Lương thoát nghèo, trở thành những nông dân làm kinh tế giỏi, điển hình của cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ