Tỷ lệ nữ tham gia quản lý chưa tương xứng với tiềm năng

Tỷ lệ nữ tham gia quản lý chưa tương xứng với tiềm năng

(GD&TĐ) - Hôm nay (17/10), tại Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam (UBQG) và Tọa đàm cấp cao bàn giải pháp tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo.

Đến dự buổi Lễ và Tọa đàm có: bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1993 - 1998; bà Nguyễn Thị Doan - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; bà Trương Thị Mai - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư; bà Phạm Thị Hải Chuyền - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBQG; bà Louise Chamberlain - Giám đốc Quốc gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; cùng các nữ lãnh đạo,  nhà quản lý, nguyên lãnh đạo nữ của các Bộ, ngành T.Ư và địa phương.

Cách đây 20 năm, ngày 25/2/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg về việc kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về thập kỷ phụ nữ của Việt Nam thành Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một cơ quan điều phối liên ngành thuộc Chính phủ về công tác phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBQG - cho biết: Kể từ đó đến nay, UBQG đã từng bước kiện toàn, phát triển phù hợp với tình hình mới để thực hiện sứ mệnh là một tổ chức phối hợp liên ngành có nhiệm vụ giúp Thủ tướng nghiên cứu, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ trong phạm vi cả nước.

Với những nỗ lực của UBQG và các Bộ, ngành thành viên, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đến nay đã có những tiến bộ đáng kể.

Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ với 5/8 mục tiêu cơ bản hoàn thành trước hạn, trong đó có mục tiêu 3 về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Năm 2013, Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là quốc gia có chỉ số bất bình đẳng giới đứng vị trí thứ 48 trong tổng số 148 quốc gia được xếp hạng, tốt hơn một số quốc gia trong khu vực có cùng mức độ phát triển con người ở mức trung bình. Những chỉ số này cho thấy, vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam đang ngày càng được cải thiện và bình đẳng với nam giới.

Theo bà Nguyễn Thị Doan - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác phụ nữ nói chung, sự nghiệp bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Với truyền thống văn hóa Á đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Do đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Toàn cầu hóa về kinh tế yêu cầu phụ nữ phải có trình độ để thay đổi vị trí của mình. Trong bối cảnh đó, phụ nữ cũng phải cạnh tranh với nam giới về việc làm để có chỗ đứng và tăng thu nhập. Toàn cầu hóa về văn hóa cũng là một thách thức với phụ nữ Việt Nam, vì trong bối cảnh du nhập của các nền văn hóa mới, phụ nữ vẫn phải giữ được những phẩm hạnh truyền thống của mình.

Cùng với quá trình hội nhập, những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay cũng đang đòi hỏi cao hơn ở người phụ nữ. Ngoài việc là lao động chính, họ còn có thiên chức của phụ nữ rất nặng nề, trong khi trình độ của họ tuy được nâng cao nhưng vẫn là rào cản để giúp họ tiến bộ...

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, thực trạng đó đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt mang tính đột phá.

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 11,3% ở cấp tỉnh, đạt 15,15% ở cấp huyện và 17,98% ở cấp xã.

Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo cấp cao được tăng cường với 2 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nữ tham gia Ban Bí thư T.Ư Đảng, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 Phó Chủ tịch nước là nữ. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 24,4%, hiện Việt Nam xếp thứ 49 trong tổng số 180 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 2 trong 8 nước ASEAN có nghị viện về chỉ số này.

Tính đến tháng 9/2013, có 15/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 50%; 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có nữ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND (đạt tỷ lệ 36,5%); 33 đồng chí nữ là Bí thư tỉnh ủy.

An Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ