Tỷ lệ nhiễm Covid-19 sau tiêm 2 mũi Covid-19 từ 1 - 3/5.000

GD&TĐ - Xác suất nhiễm đột phá ở người tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin là khoảng 1 - 3 trên 5.000 người. Trong khi đó, xác suất nhập viện là 1 trên 100.000 người.

Hiện tượng vượt rào miễn dịch xảy ra thường xuyên hơn với chủng Delta.
Hiện tượng vượt rào miễn dịch xảy ra thường xuyên hơn với chủng Delta.

Tỷ lệ thấp

Trong số 48 người tại Hà Nội dương tính SARS-CoV-2 về từ các tỉnh có dịch, 31 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và 10 người đã tiêm mũi 1. Trong khi đó, cuối tháng 10, Bình Phước ghi nhận 63 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, trong số đó, có 37 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và 19 người đã tiêm mũi 1.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), việc nhiễm Covid-19 sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là bình thường.

Chuyên gia dẫn chứng, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, xác suất nhiễm bệnh sau khi chủng ngừa Covid-19 là 1 trên 5.000. Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại hạt Los Angeles (Mỹ) cho thấy, xác suất là khoảng 3 trên 5.000 người.

Trong gần 3 tháng, nhóm nghiên cứu theo dõi 10.895 người đã được tiêm chủng 2 liều vắc-xin và 30.801 người chưa/không tiêm vắc-xin. Kết quả chỉ ra rằng, nhóm tiêm 2 liều vắc-xin có xác suất nhiễm (tính theo trung bình 7 ngày) là 64 trên 100.000 người. Trong khi đó, nhóm chưa/không tiêm vắc-xin có xác suất nhiễm là 315 trên 100.000 người.

“Nhiễm không hẳn là con số quan trọng. Nhiễm và cần nhập viện mới là con số quan trọng. Câu hỏi đặt ra là ở những người đã tiêm 2 liều vắc-xin, xác suất bị nhiễm nặng cần nhập viện là bao nhiêu?”, GS Tuấn nhận định.

Chuyên gia dẫn chứng, nghiên cứu trên đã đưa ra câu trả lời là 1 trên 100.000 người. Trong khi đó, ở người chưa tiêm vắc-xin, xác suất nhiễm nặng cần nhập viện là 29 trên 100.000 người.

“Hiệu quả của vắc-xin quá rõ ràng. Đúng là tiêm 2 liều vẫn có thể bị nhiễm, nhưng đó mới là một câu chuyện. Câu chuyện khác là nếu không tiêm thì xác suất bị nhiễm sẽ cao gấp 5 lần người đã tiêm”, GS Tuấn nhận định.

Chia sẻ về việc một số trường hợp đã tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 có xét nghiệm dương tính, GS Tuấn cho rằng, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là: Có phải tiêm vắc-xin khiến họ có kết quả xét nghiệm dương tính? Thực tế, GS Tuấn cho biết, câu trả lời là không.

Bởi, tất cả các vắc-xin không có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Covid-19. Ông nhấn mạnh, phương pháp chuẩn vàng xét nghiệm Covid-19 hiện nay là PCR. Đây là phương pháp được thiết kế để tìm những mảng mRNA của virus nCov, không phải để tìm vắc-xin.

Giải đáp về xác suất dương tính giả của PCR là bao nhiêu, GS Tuấn cho biết, đây là câu hỏi liên quan đến kĩ thuật và ngưỡng CT để xác định thế nào là “dương tính”.

“Theo nhiều nghiên cứu, xác suất dương tính giả là khoảng 5% (tức trong số 100 người không bị nhiễm nhưng đi làm xét nghiệm, sẽ có 5 người có kết quả dương tính)”, chuyên gia dẫn chứng.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, tại phương Tây, xác suất nhiễm đột phá ở người tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin là khoảng 1 - 3 trên 5.000 người. Trong khi đó, xác suất nhập viện là 1 trên 100.000 người. 

Khả năng vượt hàng rào miễn dịch

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) - nhận định, hiện nay, khi virus biến đổi thành những biến chủng dễ lây hơn như Delta với những điểm đột biến trên protein S, tình trạng vắc-xin giảm hiệu quả bảo vệ là điều dễ hiểu. Các nhà khoa học còn gọi đây là hiện tượng “biến chủng có khả năng vượt hàng rào miễn dịch”.

“Tuy nhiên, vì sự biến đổi của virus chưa khác đến nỗi hệ miễn dịch trước đó không thể nhận diện được hoàn toàn, nên những người chích vắc-xin tốt cho đến bây giờ vẫn còn khả năng kháng chúng (kể cả chủng Delta). Điều này thể hiện qua tỷ lệ nhiễm, mắc bệnh nặng và tử vong trong nhóm người chích vắc-xin vẫn thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm vắc-xin”, TS Vũ cho biết.

Chuyên gia này dẫn chứng, nghiên cứu do nhóm nhà khoa học ở Singapore thực hiện cho thấy, hiện tượng vượt rào miễn dịch xảy ra thường xuyên hơn với chủng Delta. Tuy nhiên, số lượng virus trong những người đã chủng ngừa đầy đủ giảm rất nhanh so với người chưa tiêm vắc-xin.

“Kết quả nghiên cứu này giúp giải thích tại sao hầu hết những người đã chích vắc-xin nếu lỡ bị nhiễm bởi các biến chủng mới như Delta có biểu hiện nhẹ, mau khỏi. Ngoài ra, vì lượng virus tồn tại trong những người đã chích vắc-xin giảm mau nên một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, vắc-xin giúp giảm sự lây truyền virus cho những người khác”, TS Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ