Tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên có thể cao hơn thống kê

GD&TĐ - Mỗi năm, có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Bởi ở Việt Nam, chỉ hơn một nửa số ca phá thai được thực hiện tại cơ sở công lập.

Thực trạng gần 20 năm

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em nhận định, tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục sớm ngày càng tăng là một thực trạng xã hội Việt Nam vô cùng đáng báo động. Đáng nói, thực trạng này đã kéo dài gần 20 năm nay.

“Tình trạng ngày một tăng, nhưng Chính phủ chưa có giải pháp đồng bộ, cụ thể và quyết liệt. Trước đây, chúng ta còn đổ thừa cho ảnh hưởng của Chính sách Kế hoạch hóa gia đình, thực hiện Pháp lệnh Dân số. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách về lĩnh vực này đã thay đổi”, chuyên gia chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An dẫn chứng, kết quả khảo sát của Chương trình sức khỏe vị thành niên tại Việt Nam do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công bố cho thấy: Tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi là 1,48% năm 2013 và tăng lên 3,51% năm 2019. Mỗi năm, có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên, theo bác sĩ An, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Bởi, ở Việt Nam, chỉ hơn một nửa số ca phá thai được thực hiện tại cơ sở công lập. “Có cả một chuỗi nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Từ nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân gián tiếp cho đến nguyên nhân cụ thể, trực tiếp.

Trước hết, đó là do sự giáo dục trẻ em, đặc biệt là giáo dục trẻ vị thành niên, thanh niên chưa đi đúng trọng tâm và đang bị lệch hướng nghiêm trọng. Trong đó bao gồm: Giáo dục gia đình; Giáo dục nhà trường; Giáo dục xã hội”, bác sĩ An nhấn mạnh.

Cụ thể, tại gia đình và cộng đồng, các phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng giáo dục và hỗ trợ con trong phòng ngừa, bảo vệ khỏi vấn nạn xâm hại tình dục. Trong nhà trường và hệ thống giáo dục, các thầy cô dành nhiều thời gian vào dạy kiến thức văn hóa, thành tích học tập. Song, chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, kiến thức về giới tính, tình dục, pháp luật hôn nhân - gia đình và tình dục an toàn.

Ngoài ra, xã hội còn có nhiều sự bất ổn về con người, đạo đức xã hội chưa chuẩn mực, nói không đi đôi với làm. Một số chính sách xã hội chưa khuyến khích trẻ rèn luyện, thúc đẩy sự tu dưỡng đạo đức tác phong và tuân thủ luật pháp của trẻ.

Bên cạnh đó, việc quản lý sản phẩm văn hóa chưa nghiêm, đặc biệt là trên không gian mạng về các nội dung, hình thức và phát hành ngoài xã hội. Kiểm soát không chặt đã dẫn tới những hệ lụy tiềm ẩn đến sự an toàn của trẻ em. Đặc biệt, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục có xu hướng tăng. Trong đó, bao gồm vấn đề trẻ em quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai.

Nguyên nhân khác là hệ thống luật pháp còn lỏng, chưa hoàn thiện hệ thống tư pháp vị thành niên. Nguyên nhân cuối cùng là ảnh hưởng của rượu bia, các chất gây nghiện và chất kích thích.

Đẩy mạnh giáo dục gia đình

Bác sĩ Nguyễn Trọng An.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An.

“Trẻ vị thành niên chưa đủ kiến thức và hiểu biết cách giữ gìn. Do đó, quan hệ tình dục thiếu an toàn gây hậu quả bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn. Đặc biệt, hậu quả của việc mang thai sớm ở tuổi vị thành niên rất nặng nề đối với sức khỏe thể chất”, bác sĩ An cho biết.

Theo chuyên gia này, cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ cho việc mang thai. Do vậy, dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén. Khi trẻ đã mang thai, vấn đề giữ thai để làm mẹ hoặc nạo phá đều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cả thể chất và tinh thần.

Đồng thời, trẻ bị tước bỏ cơ hội học, phát triển bản thân, nguy cơ vô sinh thứ phát mất đi cơ hội làm mẹ sau này. Thậm chí, có thể tử vong do mất máu, nhiễm trùng, thủng tử cung.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, trước tiên, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình - yếu tố quan trọng nhất. “Trẻ em cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ bắt đầu trong phạm vi gia đình và lớn lên là nhà trường và xã hội.

Đầu tiên là cha mẹ cần phải chú ý việc giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục, trang bị các kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ, phòng tránh hành vi xâm hại, bạo hành”, bác sĩ An cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, đây là một khó khăn. Bởi, có gần 70% phụ huynh tại nước ta không đủ kỹ năng, kiến thức để truyền đạt, dạy con.

Do vậy, cha mẹ cần được hỗ trợ, trang bị về kỹ năng, kiến thức thông qua mạng lưới nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Song, mạng lưới này ở Việt Nam vẫn chưa được kiện toàn, dù đã được quy định từ nhiều năm nay trong Luật Trẻ em 2016.

Đồng thời, cha mẹ và những người lớn trong gia đình cần phải làm gương cho trẻ. Từ đó, giúp trẻ có lối sống lành mạnh và nhận biết đúng - sai trong tình cảm nam nữ. Trang bị cho các em hiểu biết về tình dục và pháp luật để giúp trẻ hình thành lối sống tích cực, có ý thức tự trọng, trách nhiệm với bản thân.

Ngoài ra, cần chú trọng giáo dục giới tính, tình dục an toàn, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục và giáo dục pháp luật về tình dục trong trường học. Bác sĩ An nhận định, hiện, chương trình giáo dục giới tính đưa vào trường còn muộn và hời hợt. Cần phải đưa sớm giáo dục giới tính vào ngay từ lớp mầm non. Đồng thời, có giáo trình và bố trí giờ giảng chính khóa cho thầy cô.

“Các thầy cô trong quá trình đứng lớp, ngoài việc giảng kiến thức, hãy quan tâm đến tâm lý tình cảm của học sinh. Thậm chí, tìm hiểu cả hoàn cảnh đời sống vật chất và tinh thần của gia đình của một số trẻ đặc biệt”, bác sĩ An khuyến cáo.

Chuyên gia này nhấn mạnh, các cơ quan được giao nhiệm vụ Bảo vệ Chăm sóc trẻ em theo Luật Trẻ em 2016 quy định và các cơ quan được giao nhiệm vụ Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo Nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ quy định cần thiết phải nâng cao trách nhiệm và làm tròn nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nước ta cần sớm kiện toàn hệ thống tư pháp vị thành niên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.