Hạt chia có kích thước nhỏ nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng rất giàu chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại những tổn thương do các gốc tự do gây ra, đây cũng là tác nhân của lão hóa và các bệnh như ung thư.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ mẹo sử dụng hạt chia đúng cách cũng như những thực phẩm không nên trộn chung với hạt chia để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nếu bạn ăn hạt chia và chúng đã trở thành một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn phải thận trọng khi tiêu thụ vì không phải tất cả các cách kết hợp thực phẩm đều phù hợp.
Dưới đây là giải thích chi tiết của chuyên gia về các loại thực phẩm tránh ăn cùng hạt chia và lý do tại sao:
Thực phẩm giàu axit phytic
Axit phytic, có trong thực phẩm như đậu, đậu lăng, các loại hạt và một số loại ngũ cốc, có thể cản trở sự hấp thụ khoáng chất.
Hạt chia vốn có hàm lượng axit phytic cao nên việc kết hợp chúng với các thực phẩm giàu axit phytic khác có thể làm giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt và kẽm của cơ thể.
Ngoài ra, việc kết hợp hạt chia với các loại thực phẩm như cây họ đậu hoặc các loại hạt cũng chứa hợp chất axit phytic có thể làm giảm sự hấp thụ khoáng chất. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt theo thời gian, đặc biệt là trong chế độ ăn thiếu nguồn khoáng chất từ động vật.
Thực phẩm giàu chất xơ
Theo Tạp chí Khoa học Thực phẩm Quốc tế, hạt chia có hàm lượng chất xơ khá cao. Khoảng 28 gam hạt chia có gần 10 gam chất xơ. Điều này có nghĩa là chúng có 35% trọng lượng là chất xơ.
Khi kết hợp với các thực phẩm giàu chất xơ khác như hạt nguyên cám, yến mạch và các loại trái cây cụ thể như táo và lê có thể làm quá tải hệ tiêu hóa.
Tiêu thụ quá nhiều chất xơ cũng gây đầy hơi, chướng bụng và khó chịu ở dạ dày. Hạt chia có tính ưa nước, nghĩa là chúng hấp thụ nước và nở ra, điều này làm tăng khối lượng trong hệ tiêu hóa. Khi trộn với các thực phẩm giàu chất xơ khác, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lượng chất xơ dư thừa, dẫn đến các vấn đề như táo bón hoặc tiêu chảy.
Sản phẩm từ sữa
Một số người không dung nạp lactose hoặc nhạy cảm với sữa sẽ thấy rằng việc kết hợp hạt chia với các sản phẩm từ sữa như sữa chua, sữa tươi hoặc phô mai thường dẫn đến khó chịu về tiêu hóa.
Bản thân sữa có thể gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa đối với một số người và việc bổ sung hạt chia giàu chất xơ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Hạt chia có thể hấp thụ một lượng lớn chất lỏng và tạo thành một chất đặc giống như gel, có thể làm chậm quá trình tiêu hóa hơn nữa khi trộn với sữa, làm trầm trọng thêm các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng và đau dạ dày.
Do đó, những người nhạy cảm với sữa nên xem xét sữa thay thế hoặc sữa chua làm từ nguồn thực vật.
Thực phẩm giàu oxalat
Oxalate là các hợp chất có trong thực phẩm như rau bina, củ cải xanh và khoai lang có thể liên kết với canxi và các khoáng chất khác, hình thành sỏi thận ở những người nhạy cảm.
Hạt chia cũng tương đối giàu oxalat nên việc kết hợp chúng với các thực phẩm giàu oxalat khác có thể gây nguy cơ cho những người dễ bị sỏi thận.
Thực phẩm có đường
Thêm hạt chia vào thực phẩm có đường, chẳng hạn như món tráng miệng, đồ uống có đường hoặc ngũ cốc ăn sáng, có thể làm mất đi lợi ích sức khỏe của hạt chia.
Thực phẩm có đường làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng, có thể dẫn đến suy giảm năng lượng sau này. Tác dụng ổn định lượng đường trong máu của hạt chia giảm đi khi kết hợp với thực phẩm nhiều đường, khiến lợi ích sức khỏe của hạt chia kém hiệu quả.
Mách bạn ăn hạt chia đúng cách
Để tối đa hóa lợi ích sức khỏe của hạt chia và đảm bảo tiêu dùng an toàn, điều quan trọng là phải chuẩn bị và ăn chúng đúng cách. Dưới đây là hướng dẫn về cách tiêu thụ hạt chia.
Một trong những cách tốt nhất để ăn hạt chia là ngâm chúng trong nước hoặc các chất lỏng khác. Hạt chia có tính ưa nước, nghĩa là chúng hút nước và có thể phồng lên gấp 10 đến 12 lần kích thước của chúng.
Ngâm chúng giúp giải phóng chất dinh dưỡng và giúp chúng dễ tiêu hóa hơn, ngăn chúng hấp thụ độ ẩm trong đường tiêu hóa của bạn, điều này có thể dẫn đến mất nước.
Để ngâm hạt chia, bạn cần trộn một thìa hạt chia với khoảng nửa cốc nước. Để yên trong 20 đến 30 phút cho đến khi chúng tạo thành một hỗn hợp giống như gel. Bạn cũng có thể ngâm chúng qua đêm trong tủ lạnh. Hỗn hợp ngâm này có thể được thêm vào sinh tố, sữa chua hoặc bột yến mạch.