"Tuyệt chiêu" dạy tiếng Anh lớp 2 bằng ngôn ngữ hình thể

GD&TĐ - Tiết dạy tiếng Anh lớp 2 của cô Hoàng Thị Lệ Diễm, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Ngô Quyền, TP Hải Phòng) nhẹ nhàng, hứng thú bởi những chất liệu mộc mạc, kỹ thuật thực chất.

Tiết dạy của cô giáo Hoàng Thị Lệ Diễm, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền.
Tiết dạy của cô giáo Hoàng Thị Lệ Diễm, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền.

3 tiết tiếng Anh chuyên đề cấp thành phố của đại diện các trường trong quận Ngô Quyền, Hải An và huyện An Dương tổ chức ngày 9/10 được Sở GD&ĐT đánh giá cao.

Cách dạy tự nhiên, phóng khoáng bằng “tuyệt chiêu” ngôn ngữ hình thể, các cô giáo tiếng Anh đã mang lại niềm cảm hứng tích cực, truyền năng lượng cho nhà quản lý, bản lĩnh “xé rào” cách dạy truyền thống.

Vừa học, vừa chơi nên học trò rất hào hứng
Vừa học, vừa chơi nên học trò rất hào hứng

Tạo ấn tượng mạnh là tiết dạy thứ 2 của cô Hoàng Thị Lệ Diễm, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền.

Đại diện cho quận Ngô Quyền lên chuyên đề tiết tiếng Anh cấp thành phố, cô Lệ Diễm, đã mạnh dạn chọn học sinh Trường Tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An) - đơn vị đăng cai là điểm cầu trung tâm trong chuyên đề - để lên lớp.

Cô cùng học sinh lớp 2A8  học bài “Unit 4: Animals, Lesson 2- Task A, B, C, D", bộ sách I learn Smart Start (Chủ biên: Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM). Đây là bộ sách  được Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chọn cho học sinh lớp 2 theo chương trình GDPT 2018.

Học trò cùng nhau vui học
Học trò cùng nhau vui học

Điều đáng nói, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Đằng Lâm không học bộ sách “I learn Smart Start” mà học bộ “Phonics-Smart” (Chủ biên: Nguyễn Thu Hiền - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM).

Chia sẻ lý do chọn “chéo” cô Diễm cho hay, sách đã được Bộ GD&ĐT duyệt đều có những ưu điểm và phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hơn nữa, các bộ sách đều nhằm tới mục tiêu chung phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Vì thế, cách khai thác, sử dụng và giảng dạy của giáo viên phù hợp với học sinh sẽ mang lại hiệu quả.

Để lên lớp thành công với học sinh trường bạn, cô Diễm dành một thời gian ngắn để giới thiệu, làm quen với các em. Đồng thời giúp trò làm quen với các hiệu lệnh của cô ở trên lớp, phối hợp nhịp nhàng.

Cô Diễm mạnh dạn chọn tiết dạy “âm”, một tiết dạy được đánh giá “khô, khó, khổ”, nhiều giáo viên e ngại.

Tuy nhiên, tiết học được sôi động ngay từ phần khởi động, học sinh bắt nhịp một cách tự nhiên qua bài hát bảng chữ cái. Không chỉ cho các em vui với nhạc điệu bài hát mà cô còn giúp  ôn lại các chữ cái mà trò đã học rồi nối mạch với bài mới.

Phần trọng tâm của bài dạy là hình thành kiến thức. Không chỉ tận dụng tối đa những học liệu trong SGK, cô Diễm thiết kế thêm bài “Chant” (bài vè) để học sinh hứng thú và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.

Cô trò cùng làm hình con thỏ ngộ nghĩnh
Cô trò cùng làm hình con thỏ ngộ nghĩnh

Sử dụng ngôn ngữ hình thể cũng là cách dạy hay, giờ dạy thêm “nhựa sống” giúp học sinh thấy được sự gần gũi, tươi vui và năng lượng tích cực của cô.

Chẳng hạn ứng dụng chữ “R” với từ “rabbit” (con thỏ), cô không chỉ cho học sinh nhìn trên màn hình, mà còn được ngắm một con thỏ bông xinh xắn và ôn lại từ bằng cách giơ hai tay lên đầu nhún nhảy tươi cười làm hình tai thỏ.

Tương tự với những từ còn lại cô đều cho học sinh được học chữ cái, học âm và viết chữ qua những video hoạt hình ngộ nghĩnh và kỹ thuật lên lớp đơn giản, mộc mạc.

Cô Diễm chia sẻ, cách thiết kế sách rất khoa học, hiện đại. Sách có sẵn học liệu và chia từng phần nhỏ. Lượng từ trong một bài không nhiều, lại có phần trò chơi riêng nên học sinh vừa học, vừa chơi.

Một bài dạy được đánh giá thành công bởi học sinh được hoạt động, vui chơi và chủ động chiếm lĩnh kiến thức.

Học sinh được nghe âm đoán vật bằng cử chỉ tay chân
Học sinh được nghe âm đoán vật bằng cử chỉ tay chân

Cô Diễm cho rằng, bài dạy chuyên đề của cô là thực chất kỹ thuật trên lớp với đồ dùng thật, phương tiện bổ trợ sẵn có và dựa vào SGK để thiết kế bài dạy.

Ông Vũ Văn Trà- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đánh giá cao giờ dạy của cô Diễm. Ông cho rằng, cô giáo đã rất bản lĩnh khi chọn “chéo” học sinh. Điều này chứng tỏ SGK không phải là pháp lệnh mà chỉ là học liệu.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ, hiện nay môn tiếng Anh lớp 1, lớp 2 là môn tự chọn nhưng nhà trường đã chú trọng cho học sinh sớm tiếp cận với môn học này. Tiết dạy của cô Diễm mang một luồng gió mới khẳng định chất lượng đội ngũ tiếng Anh trong các trường tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.