Năm nay, Hà Nội có gần 80.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Thời tiết buổi sáng hôm nay không mưa và mát, tạo thuận lợi cho các thí sinh và người nhà di chuyển đến các địa điểm thi an toàn, đúng giờ.
So với năm 2014, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2015 diễn ra sớm hơn gần 2 tuần. Sở GD&ĐT tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 hệ THPT cho tất cả trường THPT với hai môn tự luận Ngữ văn và Toán trong ngày 11/6, buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán.
Năm nay, đứng đầu về tỷ lệ chọi vào trường không chuyên của Hà Nội là Kim Liên (Đống Đa) với 1.535 hồ sơ đăng ký, trong khi chỉ tiêu 600, kế đó là Yên Hòa (Cầu Giấy) với 1.452/480; Lê Quý Đôn (Hà Đông) là 1.258/560.
Chỉ tiêu vào khối các trường công lập năm nay chỉ có hơn 50.000 nhưng có đến 80.000 thí sinh dự thi. Chính vì thế sẽ có khoảng 30.000 thí sinh phải chấp nhận học ở các cơ sở ngoài công lập.
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - khẳng định: Tất cả học sinh tốt nghiệp THCS, có hộ khẩu Hà Nội sẽ được học trong các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Ngoài các trường công lập, các em còn có thể học trong các trung tâm GDTX, các trường bổ túc văn hóa, học hệ THPT trong các trường TCCN và các trường ngoài công lập với mức học phí khác nhau để cho các em chọn lựa. Không có học sinh nào phải nghỉ học vì không có chỗ học.
Nhiều thí sinh kết thúc sớm bài thi |
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều thí sinh kết thúc môn thi trong tâm trạng phấn khởi vì làm bài tốt.
Em Bùi Khánh Vân - Học sinh trường THCS Tân Định cho biết: Đề thi nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa và em đã được các thầy cô ôn luyện cho rất kĩ. Tuy làm bài tốt nhưng em sẽ cố gắng hơn trong buổi thi tới vì năm nay tỉ lệ chọi sẽ rất cao.
Còn Nguyễn Vân Anh - Học sinh Trường THCS Dịch Vọng cho biết: Với câu hỏi nghị luận hỏi mối quan hệ, ứng xử giữa cá nhân và tập thể, em chưa gặp nhiều lúc ôn thi nên ban đầu có chút khó khăn vì bất ngờ.
Tuy nhiên em vẫn làm tốt vì câu hỏi khá gần gũi. Em thấy đề ra khá thú vị và sát thực tiễn cũng như chương trình học. Em làm bài vừa vặn thời gian, dự đoán mình sẽ được khoảng 7 đến 8 điểm.
Chiều nay, các thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán.
TP HCM: Thí sinh hào hứng với đề thi Ngữ văn
Toàn thành phố có 135 hội đồng coi thi với 3.315 phòng thi, tổng số 70.471 thí sinh thi vào lớp 10 THPT thường và 7.255 thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên.
Kết thúc môn Văn, hầu hết các HS đều rời phòng thi với gương mặt phấn khởi và đều tỏ ra rất thích thú với đề Văn.
Em Quang Triết - HS Trường THCS Colette - cho biết: Em thấy đề rất thú vị, nhất là ở câu số 1. Có thể nhiều bạn thấy việc hát quốc ca tưởng chừng như là việc rất bình thường, thậm chí có người lúc chào cờ có thể hát, có thể không nhưng nó thực sự rất ý nghĩa. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, thể hiện tình yêu đối với đất nước khi cất lên tiếng hát.
Em làm bài khá tốt và em thấy đề rất hay, gắn với thực tế, nhất là thời điểm SEA Games rất diễn ra, quốc ca được cất lên khi 1 vận động viên giành Huy chương Vàng, vô cùng tự hào và hãnh diện...”.
Trong khi đó, em Trần Quốc Bảo - HS Trường THCS Lê Quý Đôn - chia sẻ: Em làm bài tốt và em thấy đề Văn cũng vừa tầm với nhiều bạn. Chúng em cũng có ôn tập theo dạng đề như thế này, khi đọc đề em cảm thấy rất hay, nhất là câu 1. Nó rất sát với thực tế hằng ngày chúng em khi tới trường, hằng tuần làm lễ chào cờ.
Bảo Vy - Trường THCS Lê Lợi - cho rằng: Ngoài câu 1, câu 2 cũng là câu hỏi gắn với thực tế tuổi teen như chúng em, em thấy rất hay và ý nghĩa. Đó là về việc hiện có những bạn bị cuồng về thần tượng mà đôi khi thờ ơ với những người thân trong gia đình, thậm chí với bạn bè xung quanh.
Cũng theo nhiều thí sinh khi được hỏi đều cho rằng, đề Văn bám sát với chương trình ôn tập mà các em được định hướng. Chiều nay, các thí sinh sẽ dự thi môn Ngoại ngữ
Được biết, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 năm nay, Sở GD&ĐT TPHCM đã ban hành cấu trúc đề thi môn Văn theo định hướng đổi mới là đề thi có tính vận dụng cao, đến 70 - 80%; những yêu cầu ở mức thấp như nhận biết, thông hiểu, vận dụng từ ở mức 20-30%.
Theo lãnh đạo Sở, sự đổi mới nội dung thi môn Ngữ Văn nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, vận dụng kiến thức và kỹ năng của HS.ổi mới nội dung thi môn Ngữ Văn để phát huy tính tích cực, sáng tạo, vận dung kiến thức và kỹ năng của người học.
Theo đó, Đề thi môn Ngữ Văn sẽ được ra theo hướng 20-30% yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng và 70-80% yêu cầu vận dụng cao trên tổng số điểm của bài thi.