Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Thí sinh chủ động trong việc nộp hồ sơ xét tuyển

GD&TĐ - Từ ngày 1/8, theo đúng lịch tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ chính thức bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) của thí sinh.

Nhiều thí sinh vẫn đang cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển NV1
Nhiều thí sinh vẫn đang cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển NV1

Đúng như dự báo, lượng thí sinh nộp hồ sơ trong những ngày đầu tiên vẫn còn rất ít. Nếu như ở các trường ĐH, CĐ phía Bắc là cảnh vắng vẻ, chỉ lác đác vài thí sinh đến nộp hoặc nghe ngóng thông tin, những trường tốp đầu thí sinh điểm cao mới có nhiều thí sinh đến nộp hồ sơ hơn. 

Còn phía Nam, có lẽ không chấp nhận chờ đợi, nhiều thí sinh đã đến nộp hồ sơ ở những trường tốp giữa, có trường ngoài công lập, thí sinh nộp hồ sơ là được phát ngay giấy gọi nhập học.

Thí sinh phía Bắc ngóng chờ

Đúng như phán đoán của các chuyên gia tuyển sinh, ở các trường ĐH, CĐ phía Bắc tâm lý của thí sinh những ngày đầu thí sinh sẽ nghe ngóng thông tin là chính, phải đến gần cuối đợt xét tuyển thí sinh mới quyết định vào trường nào và đến nộp hồ sơ. 

Trường hợp thí sinh còn đắn đo, nghe ngóng tình hình, thay đổi nguyện vọng sẽ là không nhiều, thế nên các trường cũng không nên quá lo lắng về việc vất vả.

Những ngày đầu tiên này, trong số các đại học tốp đầu, Học viện Ngân hàng trong buổi sáng ngày đầu tiên chỉ nhận được hơn 300 hồ sơ xét tuyển. 

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm nay trường có 4.800 chỉ tiêu nhưng trong 2 ngày đầu mới chỉ có khoảng 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1. 

Cũng như vậy, Trường Đại học Dược Hà Nội chỉ nhận được rất ít, khoảng 50 bộ hồ sơ. Học viện Tài chính cho biết, ngày đầu tiên trường này cũng chỉ thu được khoảng 150 hồ sơ của thí sinh. 

Còn Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy rằng có rất đông thí sinh và phụ huynh đến nghe tư vấn tại chỗ nhưng cũng chỉ thu được khoảng 400 - 500 hồ sơ.

Trong số những trường tốp giữa, Trường Đại học Thủy lợi đã bố trí 3 bàn thu nhận hồ sơ xét tuyển trong ngày, nhưng số thí sinh chủ yếu thí sinh đến tìm hiểu và số nộp hồ sơ chỉ khoảng vài chục em. 

Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội tuyển sinh khoảng 3.000 chỉ tiêu, tuy nhiên trong 2 ngày đầu mới chỉ có khoảng 100 hồ sơ đăng ký, nhưng lại có hàng nghìn câu hỏi của thí sinh thăm dò. 

Đại học Nội vụ Hà Nội cũng cho biết, số thí sinh đến trường trong 2 ngày đầu tương đối, nhưng chủ yếu các em hỏi về thông tin các ngành nghề, số lượng hồ sơ nhận được không đáng kể.

Phía Nam, “nóng” ngay từ những ngày đầu

Trái với sự dè dặt của thí sinh tại các ĐH, CĐ phía Bắc, ở phía Nam những trường như Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Sài Gòn... đều đã có hàng nghìn thí sinh đến nộp hồ sơ nguyện vọng một trong ngày đầu tiên. 

Theo đó, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã có hơn 2.000 thí sinh đến nộp hồ sơ. Do ngoài dự tính nên từ việc chỉ bố trí 2 cán bộ thu nhận hồ sơ, trường đã phải tăng cường thêm để thí sinh không phải chờ đợi lâu. 

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết: “Chúng tôi cũng không ngờ thí sinh năm nay nộp hồ sơ sớm như vậy. Nhân viên của trường đã không nghỉ trưa mà tiếp tục nhận hồ sơ để thí sinh không phải đợi lâu”.

Tương tự như vậy, ngay từ sáng 1/8 đã có hàng trăm thí sinh và phụ huynh đã đến Đại học Sài Gòn để chờ lấy số thứ tự nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. 

Toàn bộ sân trường được dành để hướng dẫn thí sinh, thu lệ phí xét tuyển, nhận hồ sơ. Do quá đông, nhiều thí sinh phải chờ 2 tiếng mới được gọi tên lên đóng tiền và nộp hồ sơ. Đại diện trường này cho biết, ngay trong ngày đầu tiên, trường đã nhận hơn 1.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển.

 Được biết, các trường: Đại học Công nghiệp TP HCM, Đại học Tài chính Marketing, Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng... số thí sinh đến nộp hồ sơ cũng rất đông.

Ở các tỉnh miền Tây, Trường Đại học Trà Vinh đang nổi lên như một điểm sáng về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngay trong ngày đầu tiên, Đại học Trà Vinh đã nhận được cả nghìn hồ sơ ở diện vừa xét tuyển theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vừa xét tuyển bằng học bạ. 

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Trà Vinh có thể mạnh về đào tạo ứng dụng gắn với thực tiễn, thí sinh nhiều em đến hỏi về mô hình Co-op (đưa doanh nghiệp vào cùng đào tạo-NV), sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Có lẽ sự quan tâm của thí sinh chính là trả lời cho việc số đông hồ sơ nhận vào ngay từ ngày đầu tiên. 

Còn Trường Đại học Cần Thơ trong ngày đầu cũng đã có hơn 5.000 thí sinh đến trường nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Được biết, đây là con số kỷ lục so với các năm trước, điều này cho thấy thí sinh đã có sự chuẩn bị kỹ về tâm lý cũng như hiểu biết khi lựa chọn trường.

Thí sinh cần tham khảo kỹ các thông tin gồm điểm chuẩn năm trước của ngành, trường định xét tuyển, số điểm mình đạt được đứng ở đâu trên phổ điểm để đưa ra quyết định cuối cùng nên nộp hồ sơ vào trường nào.                                                                                                                                                                                               Thí sinh cũng cần lưu ý, trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, các bạn được chuyển nguyện vọng sang ngành khác của trường hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác.                                                                                                                                                     Với phổ điểm mà Bộ GD&ĐT cung cấp, số lượng thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên không có biến động nhiều so với năm trước, nhưng điểm từ 15 - 19 lại rất nhiều, chỉ có vài trăm thí sinh đạt trên 28 điểm. Thí sinh có thể dựa vào các thông tin trên để tính toán khả năng trúng tuyển.                                                                                                                                                                                             PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ