Thêm các ngành học mới
Theo phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2019 được Trường ĐH Thương mại công bố, năm nay, tổng chỉ tiêu vào trường này là 3.800, ngoài các ngành học truyền thống, trường sẽ tuyển thêm thêm 2 chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội: Kiểm toán; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Trường tuyển sinh theo 2 phương thức là tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019.
Đại diện nhà trường cho biết, về Tổ hợp xét tuyển: Bên cạnh việc giữ nguyên tổ hợp xét tuyển như năm 2018 gồm 5 tổ hợp: A00, A01, D01, D03, D04, năm 2019 trường bổ sung thêm tổ hợp D07 xét tuyển các chương trình chất lượng cao. Học phí cho năm học 2019 - 2020 đối với ĐH chính quy như sau: Chương trình đại trà: 15.750.000 đồng/năm; Chương trình CLC: 30.450.000 đồng/năm; Chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù: 17.850.000 đồng/năm.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), thông tin về việc mở 5 ngành mới đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2019. Đó là các ngành: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục Công dân, Tin học và Công nghệ tiểu học.
Như vậy cùng với 5 ngành đào tạo mới, trường sẽ tuyển sinh 39 ngành đào tạo với 2.850 chỉ tiêu ở 4 khối ngành. Các phương thức tuyển sinh của trường bằng 3 hình thức: Xét tuyển điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT và xét tuyển thẳng các thí sinh (đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hội thi Khoa học kĩ thuật, HS trường chuyên có học lực giỏi 3 năm, HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, TP). Riêng 2 ngành Giáo dục Mầm non và Âm nhạc, bên cạnh xét điểm thi THPT và xét học bạ, thí sinh còn phải kiểm tra năng khiếu.
Ảnh minh họa |
Nhiều phương án tuyển sinh
Công tác tuyển sinh của các nhà trường những năm qua cho thấy, các trường đã tận dụng khá tốt tính tự chủ tuyển sinh. Từ việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia cho đến xét tuyển sinh từ học bạ, hoặc các tiêu chí khác, nhìn chung các trường đều thành công, hầu hết đều xét tuyển hết chỉ tiêu xác định. Số ít trường không lấp kín chỉ tiêu chủ yếu bởi độ tín nhiệm với xã hội của những trường này còn thấp.
Nhìn vào những ngành nghề đào tạo trong năm 2019 này và chỉ tiêu các trường đưa ra, cùng với những thông tin tuyển sinh trong những năm gần đây, một số chuyên gia cho rằng: Khu vực miền Bắc có nhiều thí sinh ưa thích các ngành kỹ thuật, công nghiệp nặng; nhưng có những ngành như cầu đường, hóa chất, luyện kim… liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đó là vì công việc vất vả, nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng, so với làm việc trong các ngành kinh tế, công nghệ. Điều này lý giải có nhiều trường cơ sở vật chất, chương trình đào tạo những ngành này tốt thì lại không có người học.
PGS.TS Lê Văn Thanh, chuyên gia tuyển sinh đến từ Viện ĐH Mở Hà Nội, cho rằng: Thực tế minh chứng, cho dù mùa tuyển sinh ĐH 2018 các trường có vất vả hơn do thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng đánh giá chung đây là kỳ xét tuyển sinh ĐH thành công so với nhiều năm qua của các trường, nhiều trường dễ dàng tuyển hết chỉ tiêu, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn trường, ngành cũng đồng nghĩa với sở thích của mình được đáp ứng tốt hơn.
Nhìn vào kỳ thi và việc xét tuyển sinh, ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Thành công của việc xét tuyển của các trường là chúng ta phải có đề thi tốt, phù hợp với trình độ HS và hạn chế được tiêu cực.
Ngoại trừ một số ít tiêu cực cá biệt ở một vài địa phương thì năm 2018 được đánh giá là thành công của công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH. Trên đà đó, chắc chắn năm 2019 các trường ngày càng được tự chủ, việc xét tuyển hứa hẹn sẽ tốt hơn khi Bộ GD&ĐT công bố bám sát hơn vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó, học đến mức độ nào thì thi mức độ ấy. Thêm nữa, việc các trường xét tuyển sinh với các phương án khác ngoài lấy kết quả thi THPT quốc gia cũng là việc nên làm vì cần đánh giá năng lực người học bằng nhiều cách chứ không chỉ ở kỳ thi.