Phương án tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội và TP.HCM

Cả hai trường ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM đều đã có phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2017.

Phương án tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội và TP.HCM

Theo công bố, ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh trong cả nước. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã học hết chương trình THPT và tốt nghiệp THPT trong năm đăng ký dự thi; Đã tốt nghiệp THPT; Đã tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT; tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT không trong thời gian bị kỷ luật theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Về chế độ tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, ĐHQG Hà Nội sẽ thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Hướng dẫn tuyển sinh của trường.

Cụ thể, xét tuyển thẳng những thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên đã tốt nghiệp THPT và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp quốc gia; Đạt danh hiệu học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt trong cả 3 năm học THPT và có tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT đạt tối thiểu 32 điểm, trong đó không có điểm môn nào dưới 6 điểm.

Phuong an tuyen sinh cua DHQG Ha Noi va TP.HCM - Anh 1

Nhiều trường ĐH đã có phương án tuyển sinh năm 2017.

ĐHQG Hà Nội xét tuyển theo 2 phương thức: Đợt 1, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn/bài thi tương ứng; kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do ĐHQG Hà Nội tổ chức; chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) . Thời gian xét tuyển dự kiến từ 17/7-31/8/2017. Đợt bổ sung sẽ xét tuyển như đợt 1, quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng sẽ được công bố trên website của ĐHQG Hà Nội và của các đơn vị đào tạo (nếu có). Thời gian xét tuyển dự kiến trước 15/8/2017.

Đối với các chương trình đào tạo như tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng chương trình. Ngay khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các đơn vị đào tạo công bố điều kiện đăng ký học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế.

Thí sinh trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo của trường có nguyện vọng theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế phải đạt điểm trúng tuyển vào chương trình đào tạo tương ứng kể trên theo khối thi xét tuyển tương ứng. Điểm đăng ký dự tuyển vào các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế do các hội đồng tuyển sinh quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào chương trình đào tạo chuẩn tương ứng kể trên.

Còn theo phương án tuyển sinh ĐH, CĐ của ĐHQG TP.HCM, năm 2017 trường sẽ tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu dự kiến bậc ĐH của 6 trường thành viên và khoa Y trực thuộc là 13.455 chỉ tiêu và bậc CĐ là 450 chỉ tiêu.

Điều kiện xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT; có điểm trung bình các môn ba năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6.5 trở lên ở bậc ĐH và có điểm trung bình các môn ba năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6.0 trở lên ở bậc CĐ.

Ngoại trừ trường ĐH Quốc tế sẽ tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra năng lực dạng SAT II để tuyển sinh, các đơn vị thành viên còn lại chủ yếu tuyển theo 3 phương thức. Điều kiện nhận hồ sơ tối thiểu gồm: Tốt nghiệp năm 2017; đạt danh hiệu HS giỏi 3 năm THPT (hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia); hạnh kiểm tốt 3 năm phổ thông. Mỗi học sinh chỉ được áp dụng 1 lần đúng năm tốt nghiệp và chỉ được đăng ký 1 ngành trong toàn hệ thống.

Trong trường hợp số hồ sơ nộp nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển, hội đồng tuyển sinh sẽ xét tuyển học sinh dựa trên thứ tự ưu tiên sau: điểm trung bình 5 học kỳ THPT của tổ hợp môn xét tuyển do thí sinh đăng ký; bài luận viết tay; thư giới thiệu của giáo viên. Thời gian nhận hồ sơ từ 15/5 đến 15/6 và công bố từ 26/6 đến 30/6.

Trường ĐH Bách khoa (QSB)

Áp dụng nhiều phương thức xét tuyển với chỉ tiêu tương ứng cho tất cả các nhóm ngành/ngành. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển (ĐKXT)bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (2 - 3% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc (theo phương án tuyển sinh của ĐHQG 10 - 15% chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 (80 - 85% chỉ tiêu).

Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh. Các thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD-ĐT và theo thông báo xét tuyển thẳng của Trường ĐH Bách khoa nộp hồ sơ đăng ký theo quy định và được xét trúng tuyển theo thứ tự từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu. Các thí sinh đủ điều kiện ưu tiên xét tuyển theo phương án tuyển sinh của ĐHQG-HCM và theo thông báo ưu tiên xét tuyển của Trường ĐH Bách Khoa nộp hồ sơ đăng ký theo quy định và được xét trúng tuyển theo thứ tự từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017. Thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2017 và dùng kết quả này để ĐKXT vào Trường. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp môn thi (khối thi), không nhân hệ số. Nếu nhóm ngành/ngành dự xét tuyển có nhiều tổ hợp môn thi thì thí sinh được đăng ký theo tổng điểm của tổ hợp môn thi có điểm lớn nhất. Riêng ngành kiến trúc thí sinh phải dự thi môn năng khiếu do Trường tổ chức (không chấp nhận kết quả môn năng khiếu từ các trường khác).

Về nhóm ngành/ngành tuyển sinh, có một số thay đổi: ngành kiến trúc không còn tính điểm môn Toán nhân 2. Tiêu chí phụ để xét tuyển là môn Toán (áp dụng cho tất cả các ngành khi có nhiều thí sinh cùng mức điểm xét tuyển và số thí sinh vượt quá chỉ tiêu). Nhóm ngành Vật lý kỹ thuật - Cơ kỹ thuật được tuyển theo ngành, không tuyển theo nhóm ngành.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (QST)

Năm 2017, trường dự kiến tuyển tuyển 3.340 chỉ tiêu (bậc ĐH 3.040, bậc CĐ 300 chỉ tiêu) và xét tuyển thêm một tổ hợp mới là Toán – Khoa học tự nhiên (các môn lý, hóa, sinh) – tiếng Anh ở tất cả các ngành.

Trường ĐH Kinh tế - luật (QSK)

Năm 2017, trường tuyển sinh cả nước theo ba phương thức: xét tuyển thẳng các thí sinh đủ điều kiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT 5% chỉ tiêu; xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT chuyên và năng khiếu trên cả nước 15% chỉ tiêu; xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 với 80% chỉ tiêu. Dự kiến, mở thêm lớp chất lượng cao ngành thương mại điện tử và hai lớp chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm ngành tài chính – ngân hàng và kế toán.

Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, ngoài ba tổ hợp môn thi truyền thống (A, A1 và D1), nhà trường thêm một tổ hợp môn thi xét tuyển mới: toán, ngoại ngữ và bài thi khoa học tự nhiên (các môn lý, hóa, sinh).

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (QSX)

Năm 2017, trường tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu dự kiến là 2.850, dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và chỉ tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT có điểm trung bình tổng cộng 3 năm (lớp 10,11 và 12) đạt từ 6.5 trở lên .

Trường sẽ áp dụng nhân hệ số 2 vào nhiều ngành. Cụ thể, áp dụng nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ vào các ngành ngôn ngữ gồm: ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Đức, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Italia; môn Ngữ văn vào ngành Văn học và Ngôn ngữ học; môn Lịch sử vào ngành Lịch sử; môn Địa lý vào ngành Địa lý học; tiếng Nhật vào ngành Nhật Bản học.

Trường cũng tuyển thẳng thí sinh tham gia tập huấn trong đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào học đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn thi mà thí sinh đạt giải và ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi đã tốt nghiệp THPT năm 2017 từ các trường THPT chuyên, năng khiếu trên cả nước.

Thí sinh thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh vào tất cả các ngành, tiếng Pháp vào ngành ngôn ngữ Pháp, tiếng Nga vào ngành ngôn ngữ Nga, tiếng Trung vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc và Đông phương học, tiếng Đức vào ngành ngôn ngữ Đức, tiếng Nhật vào ngành Nhật Bản học, tiếng Hàn vào ngành Hàn Quốc học. Các chứng chỉ này phải do các Trung tâm khảo thí, cơ sở đào tạo có thẩm quyền hoặc được ủy quyền cấp. Tất cả các chứng chỉ ngoại ngữ phải còn thời hạn hai năm tính từ ngày cấp chứng chỉ.

Đối với chương trình chất lượng cao trường tuyển sinh vào các ngành báo chí - truyền thông, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh và Nhật Bản học. Chương trình cử nhân tài năng tuyển sinh vào ngành văn học, ngôn ngữ học và lịch sử.

Thí sinh không trúng tuyển hệ chính quy của trường, nếu đảm bảo các điều kiện xét tuyển đầu vào đại học, có thể làm đơn đăng ký học hệ vừa làm vừa học.

Trường ĐH Công nghệ thông tin (QSC)

Năm 2017, trường dự kiến tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu với nhiều ngành chất lượng cao như Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật máy tính. Bên cạnh hai tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), trường sẽ xét tuyển thêm một tổ hợp mới D01 (Toán, Văn, tiếng Anh) ở tất cả các ngành.

Khoa Y (QSY)

Năm 2017, Khoa Y dành 175 chỉ tiêu cho hai ngành Y đa khoa và Dược học với tổ hợp xét tuyển B00 (Toán, Hóa, Sinh).

Trường ĐH Quốc tế (QSQ)

Năm 2017, Trường tuyển sinh bậc ĐH theo các phương thức: sử dụng kết quả kỳ thi THPT 2017 (50% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (5% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng học sinh giỏi của các trường THPT chuyên, năng khiếu (10% chỉ tiêu).

Bên cạnh đó, Trường sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực theo dạng SAT II với 35% tổng chỉ tiêu để tuyển sinh. Đối tượng và điều kiện dự tuyển kỳ thi này là các thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT vào năm 2017.

Theo Tổ Quốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.