Phải có giáo án giảng dạy riêng cho từng loại đối tượng học sinh
Theo thầy, cho đến thời điểm này, các nhà trường, thầy cô giáo cần đặc biệt lưu ý nội dung gì để thực hiện tốt công tác ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2016?
- Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác quản lý chất lượng dạy và học, đảm bảo dạy đủ chương trình; xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết, tổ chức đánh giá định kỳ chất lượng học sinh; quan tâm đối tượng học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, lựa chọn môn thi
Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cho giáo viên và học sinh, cha mẹ học sinh nắm được quy chế thi THPT quốc gia năm 2016 (đặc biệt những điểm mới).
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cha me học sinh nhằm: quản lý và nâng cao ý thức chuyên cần trong học tập của học sinh
Trong đó, đặc biệt lưu ý cần nhấn mạnh những điểm mới của kì thi THPT quốc gia năm 2016 và phương án tuyển sinh ĐH, CĐ giúp học sinh chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Căn cứ kết quả học tập, kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh trong các năm học, nhà trường phối hợp cùng các đoàn thể, cơ quan hữu quan tổ chức việc tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh về định hướng nghề nghiệp, tư vấn lựa chọn cụm thi phù hợp năng lực học sinh.
Kế hoạch tổ chức ôn tập cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau: Bám sát định hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT; kết quả thực hiện của các năm học trước; phân tích, đánh giá được nguyên nhân của kết quả, nguyên nhân của các tồn tại hạn chế; nêu rõ đánh giá về chất lượng nguồn học sinh tham dự thi kì thi THPT quốc gia năm 2016 của trường;
Xác định rõ các giải pháp về quản lý, về đội ngũ, về chuyên môn đảm bảo đáp ứng kiến thức môn học, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinhtheo yêu cầu của từng môn học nhằm nâng cao chất lượng thi; khung thời gian ôn tập cho từng môn (thời điểm bắt đầu, kết thúc, buổi/tuần); phân công xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình; phân công giáo viên giảng dạy; công tác quản lí, kiểm tra, theo dõi hoạt động dạy - học; lịch kiểm tra, đánh giá chất lượng ôn tập.
Khi xây dựng tài liệu giảng dạy ôn tập, yêu cầu dựa vào tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn, sách giáo khoa, sách bài tập; đề thi THPT quốc gia năm 2015; năng lực và nguyện vọng của học sinh. Bên cạnh đó, cần tổ chức lớp ôn tập phù hợp đối tượng, nguyện vọng và năng lực của HS (theo các khối thi ĐH, CĐ truyền thống và tổ hợp các môn thi theo đề án riêng của các trường ĐH, CĐ).
Nội dung, phạm vi, kiến thức ôn tập bám sát chương trình phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đảm bảo đáp ứng chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ của từng bộ môn từ cơ bản đến nâng cao (yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản); tùy theo đối tượng học sinh để phát triển kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, mức độ vận dụng sáng tạo (theo hướng mở, tích hợp) của từng môn học cho phù hợp.
Việc tổ chức đợt thi thử, khảo sát để giúp học sinh tự đánh giá năng lực, chủ động ôn tập, lựa chọn môn thi, cụm thi phù hợp với bản thân, đánh giá chất lượng ôn tập thi THPT quốc gia được yêu cầu phải đảm bảo nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng học sinh, công khai kết quả đến học sinh, phụ huynh học sinh, Hội đồng giáo dục nhà trường.
Sau khi khảo sát đều phải tổ chức phân tích, đánh giá kết quả đến từng học sinh; đánh giá công tác quản lý, công tác giảng dạy của từng GV, đánh giá về nội dung chương trình và kịp thời điều chỉnh các nội dung nếu cần.
Điện Biên tổ chức 2 cụm thi THPT quốc gia
Ông có thể chia sẻ phương án thi THPT quốc gia năm 2016 tại Điện Biên? Dự kiến các điểm thi sẽ được bố trí như thế nào để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh?
- Trên cơ sở đề nghị của Sở GD&ĐT Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của tỉnh, theo đó đồng ý lựa chọn phương án tổ chức 2 cụm thi là phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại tỉnh Điện Biên, bao gồm:
Cụm thi 1: Do trường ĐH chủ trì, Sở GD&ĐT phối hợp. Đối tượng gồm những thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Địa điểm thi tại các trường THPT, THCS và một số trường cao đẳng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
Hiện chúng tôi đã dự kiến 7 điểm coi thi, cụ thể: Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, THPT chuyên Lê Quý Đôn, PTDTNT tỉnh, CĐSP tỉnh, Cao đẳng kinh tế kỹ thuật tổng hợp, THPT huyện Điện Biên).
Đồng thời, dự kiến các cơ sở bố trí nơi ăn, nghỉ của thí sinh ở xa thành phố: Ký túc xá của các trường PTDTNT tỉnh, CĐSP tỉnh, Cao đẳng kinh tế kỹ thuật tổng hợp, TTGDTX tỉnh, PTDTNT THPT huyện Điện Biên, THPT Phan Đình Giót
Cụm thi 2 do Sở GD&ĐT chủ trì, trường ĐH phối hợp. Đối tượng gồm những thí sinh dự thi chỉ xét tốt nghiệp. Địa điểm thi: Tại các trường THPT thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Việc tổ chức kỳ thi theo 2 cụm như trên đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, giữ được tính khách quan, nghiêm túc của kỳ thi, nâng cao trách nhiệm của Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và các cơ quan ban ngành, thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh và an toàn, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của của một số trường trên địa bàn tỉnh Điên Biên.
Thời điểm này, Sở GD&ĐT Điện Biên đã có những chuẩn bị như thế nào để triển khai tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay?
- Ngay từ đầu năm học Sở GD&ĐT đã chỉ đạo công tác chuẩn bị hồ sơ tại văn bản hướng dẫn nhiệm vụ khảo thí.
Theo đó, phân tích kết quả thi THPT quốc gia năm 2015 để các trường thấy rõ những hạn chế trong công tác quản lý chất lượng giáo dục, công tác dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, công tác ôn tập, tư vấn hướng nghiệp
Xây dựng nội dung chương trình nhà trường bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng phù hợp đối tượng, điều kiện dội ngũ, thự tế của nhà trường....
Sở GD&ĐT cũng đã triển khai công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT như quy định lựa chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ; tham mưu trình UBND tỉnh phương án tổ chức cụm thi; khảo sát lựa chọn các điểm thi ĐH - CĐ, nơi an nghỉ cua thí sinh ở xa thành phố...
Ngày 12/3/2016, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị cấp ngành và cấp trường bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng các môn thi THPT quốc gia năm 2016. Thành lập các tổ kiểm tra công tác giảng dạy, ôn tập, ôn thi lớp 12, công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi ở các đơn vị.
Đồng thời, giao cho các đơn vị chủ động tổ chức các đợt thi thử, khảo sát để giúp học sinh tự đánh giá năng lực, chủ động ôn tập, lựa chọn môn thi, cụm thi phù hợp với bản thân.
Kỳ thi 2016 có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh
Ông có nhận định như thế nào về những thay đổi trong quy chế thi THPT quốc gia năm nay? Những thay đổi này có tạo thuận lợi cho địa phương, nhà trường, học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên hay không?
- Đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT năm 2015, Quy chế thi THPT quốc gia 2016 có sửa đổi bổ sung để khắc phục một số hạn chế ở kỳ thi năm 2015, điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho thí sinh.
Cấu trúc đề thi, ngày thi, đợt thi... được Bộ GD&ĐT xây dựng cơ bản như kỳ thi THPT năm 2015 nên thí sinh, gia đình và nhà trường hoàn toàn yên tâm ôn tập và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Điểm thuận lợi đầu tiên là việc tổ chức kỳ thi. Bộ GD&ĐT quyết định, tại mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một cụm thi do trường đại học chủ trì (dành cho thí sinh sử dụng kết quả thi chung để xét tuyển ĐH-CĐ), một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì (dành cho thí sinh chỉ thi xét tốt nghiệp).
Vì vậy, tất cả thí sinh sẽ thi tại tỉnh không phải di chuyển như năm trước, giúp thí sinh giảm được tối đa thời gian đi lại và các chi phí khác.
Việc tổ chức coi thi, chấm thi cũng có nhiều cải tiến, cụ thể là tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng coi, chấm thi cụm thi tốt nghiệp, đồng thời, tăng cường số lượng cán bộ, giáo viên của Sở GD&ĐT coi, chấm thi cụm thi đại học, cao đẳng nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác, khoa học cho kỳ thi.
Điểm mới thứ hai là kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 do các đơn vị chủ trì thông báo, do đó, khắc phục được tình trạng nghẽn mạng, thuận tiện cho phụ huynh và học sinh tra cứu kết quả thi.
Điểm mới thứ ba là mỗi thí sinh dự thi chỉ được cấp 1 phiếu xác nhận kết quả thi. Thí sinh sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển trong các đợt xét tuyển; chỉ nộp giấy xác nhận này khi thí sinh nhập học chính thức vào trường mà thí sinh trúng tuyển.
Bộ GD&ĐT bỏ quy định đợt xét tuyển sau phải có điểm cao hơn đợt trước, điều này mở rộng cơ hội cho học sinh đỗ vào các trường đại học và các trường thuận tiện hơn trong công tác tuyển sinh.
Đặc biệt, việc đăng ký xét tuyển và xét tuyển đại học, cao đẳng thực hiện qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến, thí sinh không phải đi nộp hồ sơ.
Thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển các đợt cũng như số ngành đăng ký của thí sinh đều được rút gọn so với năm 2015.
Đặc biệt, sau khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sẽ không được phép rút hồ sơ nhằm tránh tình trạng rối loạn nộp - rút; rút - nộp như năm 2015.
Xin cảm ơn ông!