Điều chỉnh phương thức xét tuyển học bạ
Trường ĐH Văn Lang (VLU) là một trong những trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh sớm nhất, tạo tâm lý tốt cho thí sinh có nguyện vọng vào trường. Cụ thể, từ tháng 2/2020, nhà trường đã điều chỉnh thành hai lựa chọn cho thí sinh xét tuyển vào trường bằng học bạ THPT: Xét điểm trung bình lớp 12; Xét điểm 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I của lớp 12). Với điều chỉnh này, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển đại học đúng thời hạn dù lộ trình lớp 12 trễ so với dự kiến.
Ở Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), cùng với hình thức xét điểm học tập năm lớp 12 theo tổ hợp ba môn và trung bình học bạ lớp 12, nhà trường bổ sung thêm hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, gồm kỳ I, II lớp 11 và kỳ I lớp 12. TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng LHU cho biết: “Thí sinh có tổng điểm trung bình ba học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên đều có thể tham gia xét tuyển vào các ngành mà LHU đang đào tạo (trừ ngành Dược)”.
Đại diện LHU cũng cho rằng, việc bổ sung thêm phương thức tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các trường trong việc chủ động hơn về nguồn tuyển. Còn nhận thức là kết quả của một quá trình lâu dài, khi học lực của thí sinh các năm tốt thì việc thực hiện xét tuyển học bạ 3 học kỳ nói trên không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các trường.
Mùa tuyển sinh 2020, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) dành 30% cho phương thức xét kết quả học bạ THPT. So với năm 2019, NTTU có sự thay đổi trong phương thức xét kết quả học bạ THPT. ThS Nguyễn Bá Anh - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Marketing NTTU chia sẻ: Thí sinh tham gia xét tuyển học bạ THPT phải đạt 1 trong 3 tiêu chí: Điểm tổ hợp các môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên; Điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên; Tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và điểm trung bình HK1 năm lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Thế Đại |
Chú trọng tư vấn tuyển sinh trực tuyến
Tán thành việc điều chỉnh Kỳ thi THPT quốc gia sang tháng 8 của Bộ GD&ĐT vì lý do phòng tránh dịch Covid-19, tuy nhiên theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điều này ít nhiều tác động đến kế hoạch tuyển sinh nhưng cũng không đến mức làm hỏng kế hoạch chung của nhà trường.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ điều chỉnh một số kỹ thuật trong công tác tuyển sinh. Chẳng hạn, nếu như trước đây, nhà trường có chương trình “Đại sứ sinh viên” về các trường phổ thông để thực hiện tư vấn tuyển sinh. Nhưng năm nay nhà trường sẽ tăng cường tư vấn tuyển sinh online trên website và fanpage của nhà trường. Hoạt động này được duy trì thực hiện 24 giờ/ 7 ngày.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, những năm trước, khoảng trung tuần tháng 8 nhà trường tổ chức đón tân sinh viên nhập học, nhưng năm nay với việc Kỳ thi THPT lùi sang tháng 8, kế hoạch này cũng được điều chỉnh, có thể phải sang tháng 10. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Nhập học sớm hay muộn không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì khi các em nhập học muộn, kế hoạch đào tạo cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng để phù hợp với thực tiễn.
Kế hoạch tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có sự thay đổi. Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), nhà trường dựa vào khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 của Bộ GD&ĐT, trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia, để điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh. Cụ thể, nhà trường sẽ lùi thời gian tuyển sinh và kế hoạch nhập học của tân sinh viên sang cuối tháng 10 thay vì đầu tháng 9 như mọi năm.
“Hay như công tác tư vấn tuyển sinh cũng sẽ phải điều chỉnh. Cụ thể, ở thời điểm này không thể tổ chức rầm rộ với gian hàng tư vấn ngành nghề. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến theo các hình thức như: Tư vấn trên website của nhà trường, Facebook và livestream trên fanpage” - PGS.TS Bùi Đức Triệu chia sẻ, đồng thời lưu ý thí sinh nên thường xuyên theo dõi website của nhà trường vì mọi thông tin về tuyển sinh sẽ được cập nhật trên đó.