Tuyển sinh đại học năm 2025: Gia tăng phương án dự phòng

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018, do đó, học sinh lớp 12 không tránh được lo lắng, căng thẳng.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh: Lê Nam
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh: Lê Nam

Để chắc suất hơn vào ngôi trường mơ ước, bên cạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh chọn giải pháp “dự phòng” tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL).

Giải pháp “dự phòng”

Với số môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em Phạm Nguyễn Bích Ngọc - học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng bản thân có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển đại học hơn so với trước đây. Bởi ngoài 2 môn bắt buộc, nữ sinh này được chọn môn là thế mạnh như Tiếng Anh và Lịch sử. Từ đó có thể đăng ký được vào nhiều ngành yêu thích. Tuy nhiên, nữ sinh này có chút lo lắng, do năm 2025 - năm đầu tiên thi theo chương trình mới, nên ngân hàng đề thi rất ít, việc ôn luyện cũng vất vả hơn.

“Em quyết định tham gia kỳ thi ĐGNL để chắc suất hơn vào Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM. Em học kín tuần, từ buổi sáng đến tối. Ngoài 4 môn thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, em còn đăng ký thêm khóa học ĐGNL ôn theo đề của những kỳ riêng do các trường đại học tự tổ chức. Vào cuối tuần, em dành phần lớn thời gian học IELTS”, Bích Ngọc cho hay.

Tương tự, Nguyễn Ngọc Minh - học sinh Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng “dự phòng” phương án thi ĐGNL bên cạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nam sinh này cảm thấy khá lo lắng khi kiến thức thi tốt nghiệp năm 2025 không những bao phủ ba năm THPT, mà còn đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng, ứng dụng thực tế khi làm bài.

“Ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, ngoài ôn thi tốt nghiệp THPT, em còn dành thời gian để ôn luyện thi ĐGNL, đánh giá tư duy xét tuyển vào các kỳ thi riêng của một số trường đại học”, Ngọc Minh chia sẻ.

Ở góc độ nhà trường, ngay từ đầu năm học, nhiều trường đã lên kế hoạch triển khai thông tin kỳ thi ĐGNL trong hội đồng giáo dục, sau đó thông tin rộng rãi đến các tổ chuyên môn.

Thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1, TPHCM) cho biết, trường không tổ chức ôn tập thi ĐGNL cho học sinh mà chỉ thông báo, định hướng cho các em tự học, tìm hiểu. Nếu học sinh có điều kiện vẫn nên đi ôn luyện để bổ sung kiến thức tham gia kỳ thi. Bởi, trong quá trình ôn tập, các thầy cô giảng dạy có kế hoạch hoặc biên soạn những nội dung và mảng kiến thức có thể ở trường chưa được học.

“Nhà trường thường xuyên cung cấp thông tin về kỳ thi, lồng ghép trong môn học để hướng dẫn các em cách trả lời câu hỏi, tăng cường kiến thức thực tiễn, các hoạt động câu lạc bộ, trải nghiệm... Đây không chỉ là nội dung quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, mà còn là trách nhiệm của nhà trường đối với chất lượng đầu ra của lớp 12”, thầy Khương cho hay.

gia-tang-phuong-an-du-phong-2-4347-3244.jpg
Giờ học của học sinh Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: M.A

Điều kiện cần và đủ

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, hiện có nhiều kỳ thi ĐGNL phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, ví dụ như kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM, kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM hay kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (kỳ thi V-SAT) do các trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Tài chính - Marketing, Sài Gòn, Mở TPHCM và Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức. Do đó, thí sinh có thêm nhiều lựa chọn. Theo quan sát của ThS Sơn, ngày càng nhiều học sinh lựa chọn các kỳ thi ĐGNL để vào đại học vì nhiều nguyên nhân.

Trước hết, các kỳ thi ĐGNL không chỉ kiểm tra kiến thức học thuật, mà còn đánh giá khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Do đó, học sinh cần hiểu rõ sự khác biệt giữa kỳ thi này và Kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó xác định năng lực và mục tiêu của bản thân. Tiếp đó, nhiều trường đại học hiện sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, bao gồm cả kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐGNL. Học sinh cần xem xét kỹ phương thức xét tuyển của trường đại học mình mong muốn để lựa chọn hình thức thi phù hợp.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, các kỳ thi ĐGNL có cấu trúc khác so với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý để chuẩn bị cho cả hai kỳ thi (nếu chọn tham gia). Điều này đòi hỏi người học phải quản lý thời gian học tập hiệu quả, cân đối giữa việc ôn thi kiến thức cơ bản và rèn luyện kỹ năng tư duy.

Cuối cùng, nếu cảm thấy kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đạt kỳ vọng, việc thi thêm ĐGNL có thể là cơ hội để tăng cơ hội trúng tuyển đại học. “Nhìn chung, tham gia kỳ thi ĐGNL bên cạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một lựa chọn hợp lý nếu học sinh có sự chuẩn bị tốt và mong muốn mở rộng cơ hội vào đại học”, ông Sơn nói.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) thông tin, song song với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học áp dụng các phương thức khác để tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Thi ĐGNL là một trong những phương thức người học có thể lựa chọn để nâng cao cơ hội trúng tuyển đại học.

“Trong xu thế hiện nay, số lượng các trường đại học áp dụng xét tuyển theo phương thức điểm thi ĐGNL ngày càng nhiều, cơ hội vào đại học đúng ngành yêu thích theo đó càng rộng mở. Chính vì vậy, thí sinh nên tận dụng cơ hội này”, bà Dung nhìn nhận.

Trong khi đó, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định nhận định, để trúng tuyển chính thức vào các trường đại học, điều kiện đầu tiên là thí sinh cần phải đảm bảo tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, việc tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT là bắt buộc dù năm 2025 có một số điểm đổi mới. Các em cần có phương pháp ôn luyện phù hợp, bám sát vào kế hoạch ôn tập tại trường THPT.

“Tuy nhiên, kết quả của kỳ thi ĐGNL cũng là một trong số phương thức được các trường đại học áp dụng để xét tuyển bên cạnh việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT… Tham gia thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học mà thí sinh yêu thích”, ông Toàn cho hay.

Kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM thu hút đông đảo thí sinh tham gia, được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển. Dự kiến, cấu trúc đề thi ĐGNL năm 2025 gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, 3 phần kiến thức:

Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Trong đó, ở phần giải quyết vấn đề, thí sinh được chọn 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Thí sinh làm bài trong 150 phút, điểm tối đa là 1.200.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.