Nếu như năm 2023, trong hơn 20 trường đại học có đào tạo ngành sức khỏe chỉ có 4 trường (chủ yếu là tư thục) sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển thì đến mùa tuyển sinh 2024, không chỉ trường tư thục, mà cả những trường y truyền thống như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… cũng sử dụng môn Ngữ văn trong tuyển sinh.
Thông tin xét tuyển tổ hợp mới có môn Văn của các trường y cùng với phương án đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến dư luận ít nhiều băn khoăn về việc tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe tới đây. Liệu môn Văn có phù hợp để xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe? Với xu hướng hiện nay, môn học này liệu có trở thành ứng cử viên sáng giá trong tổ hợp xét tuyển ngành y từ 2025, khi nhiều học sinh không học được tổ hợp đủ cả Hóa và Sinh…?
Luật Giáo dục Đại học cho phép nhà trường được chủ động xây dựng khối xét tuyển, vì thế, việc các trường y chọn môn Văn trong tuyển sinh không sai về lý, chỉ cần giải thích rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn của lựa chọn này. Trả lời báo chí thời gian gần đây, các trường xét tuyển khối ngành khoa học sức khỏe có môn Văn cho biết đơn vị thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh và theo xu hướng đổi mới (hướng tới đánh giá toàn diện năng lực người học, rộng cơ hội cho thí sinh…).
Thực tế việc đổi mới tuyển sinh với các tổ hợp xét tuyển mới không còn là chuyện lạ từ mùa tuyển sinh 2015, khi Bộ GD&ĐT cho phép bên cạnh khối thi truyền thống, các trường được thay đổi tổ hợp xét tuyển. Từ đó số tổ hợp xét tuyển không ngừng được làm mới, gia tăng, đến nay đã vượt quá con số 200.
Bên cạnh đa dạng hóa tổ hợp xét tuyển, các trường còn rộng cửa dành chỉ tiêu tuyển sinh cho các kỳ thi đánh giá năng lực (là kiến thức tổng hợp nhiều môn). Xu hướng này tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh, tăng sức cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo và trường y cũng không ngoài cuộc.
Tuy vậy, trong xu hướng cũng có những đặc thù. Thời gian qua, tuyển sinh ngành y chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp với tổ hợp môn truyền thống. Những ý kiến phản đối việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y không chỉ vì chương trình đào tạo ngành này hợp với nhóm môn Khoa học tự nhiên, mà còn vì chưa có sự phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm liên quan đến xét tuyển môn Văn.
Một số quan ngại rằng việc các trường mở rộng xét tuyển ngành y bằng môn Văn có thể là cách để có thêm nguồn tuyển, thu hút thí sinh, chứ chưa thực sự căn cứ trên nghiên cứu, đánh giá khoa học. Trong khi đó, y là ngành đặc thù, tuyển sinh đầu vào có tầm quan trọng to lớn, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ y bác sĩ tương lai.
Xây dựng hình thức tuyển sinh không phù hợp, đầu vào quá thấp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường và đặc biệt tác động tới thí sinh trong hành trình học tập và hành nghề sau này, nhất là từ năm 2027, bác sĩ phải kiểm tra năng lực cấp quốc gia để được cấp giấy phép hành nghề, chứ không chỉ dựa vào tấm bằng tốt nghiệp.
Trong bối cảnh đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, việc xây dựng phương thức tuyển sinh mới phù hợp với ngành y là cần thiết. Tuy vậy, cũng không thể “dục tốc” với việc mở rộng khối xét tuyển có môn Văn trong tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe khi chưa đủ độ dài đánh giá, kiểm chứng.
Để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo ngành y, đồng thời không xung đột với tự chủ đại học, cần sớm rà soát các quy định hiện hành, xây dựng quy chuẩn việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo ngành y cũng như khối ngành sức khỏe nói chung, sớm có phương án tuyển sinh chung cho ngành y, nhất là khi lứa thí sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 sắp vào năm học cuối cấp THPT.