Tuyển sinh đại học, cao đằng: Thí sinh có quyền "quay xe"

GD&TĐ - Thí sinh hoàn toàn có quyền "quay xe" nếu không muốn đăng ký xét tuyển vào trường mà đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Theo đó, các em có thể đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành học khác.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022.

Có quyền thay đổi

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp (sáng 25/7) do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phối hợp tổ chức, một số phụ huynh nêu vấn đề, nhà trường yêu cầu thí sinh phải cam kết đặt nguyện vọng 1 vào trường khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Phụ huynh đặt câu hỏi, việc này có đúng quy chế hay không?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho biết: các trường yêu cầu thí sinh cam kết là vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo. Vì theo quy định, thí sinh chỉ được xác định trúng tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Hệ thống sẽ xác nhận thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương - cho biết, tới thời điểm này các trường đã đẩy tất cả danh sách thí sinh "trúng tuyển có điều kiện" theo phương thức xét tuyển của trường. Thí sinh chỉ chính thức trúng tuyển vào 1 nguyện vọng khi đăng ký tất cả các nguyện vọng của mình trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, bao gồm cả các nguyện vọng đã được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời.

Theo đó, thí sinh có thể sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên phù hợp với mong muốn, sở thích của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ.

Rất nhiều thí sinh băn khoăn, khi đã có trúng tuyển sớm vào 1 trường, liệu có thể đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành khác không? TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính khẳng định: Thí sinh hoàn toàn có quyền "quay xe".

"Vì trường thí sinh đủ điều kiện đỗ chưa phải nơi thí sinh mong muốn nhất thì thí sinh vẫn có thể đặt ưu tiên nguyện vọng ở ngành/trường khác khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Quy định của Bộ nhằm tạo điều kiện tối đa để thí sinh có thể đỗ vào ngành/trường mà thí sinh mơ ước nhất” - TS Nguyễn Đào Tùng dẫn giải.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Rà soát việc khai báo đầy đủ

Lưu ý với thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, các em phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).

Thí sinh lưu ý, phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, theo thứ tự ưu tiên. Và sau khi hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

"Cho dù là nguyện vọng thứ 10 mới đủ điều kiện đỗ thì thí sinh vẫn được xác nhận trúng tuyển, nếu 9 nguyện vọng xếp trước thí sinh không đủ điều kiện đỗ"- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ với nhiều phụ huynh và thí sinh khi vẫn lo lắng không đặt ưu tiên 1 cho trường đã đảm bảo đỗ, trong khi trường thí sinh mơ ước là trường khác.

Nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh cho thí sinh; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đề nghị, các cơ sở đào tạo phải thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, đồng thời thí sinh phải nghiên cứu kỹ quy chế và các hướng dẫn tuyển sinh.

Theo quy chế, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ nay tới 17h ngày 20/8. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn, thí sinh không nên đăng ký ngay mà cần tìm hiểu kỹ, để tránh sai sót, nhầm lẫn nhưng không nên để quá sát nút thời gian hệ thống đóng lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ