Tuyển sinh đại học 2024: Điều chỉnh tỷ trọng phương thức xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyển sinh năm 2024, nhiều trường ĐH dự kiến mở thêm ngành mới, tăng chỉ tiêu và điều chỉnh tỷ trọng chỉ tiêu trong các phương thức xét tuyển.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (ảnh phải). Ảnh: UEF
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (ảnh phải). Ảnh: UEF

Nhiều ngành mới

Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) vừa công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2024 với tổng chỉ tiêu là 12.500, tăng khoảng 2.600 chỉ tiêu so với năm 2023.

63 ngành HUTECH dự kiến tuyển sinh thuộc các lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ. Trong số này, có 7 ngành mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.

Theo lý giải của nhà trường, những ngành mới này thuộc các lĩnh vực mà trường đã khẳng định được thế mạnh đào tạo trong nhiều năm qua. Đồng thời, đây là lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, nhất là khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số.

Tại Trường Đại học Gia Định, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông cho biết, nhà trường dự kiến tuyển sinh 2.024 chỉ tiêu với 48 ngành, chuyên ngành của 4 lĩnh vực chính: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Quản trị, Khoa học xã hội và ngôn ngữ, Truyền thông số. Trường Đại học Gia Định sử dụng 3 phương thức xét tuyển kết quả: Học bạ THPT; Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.

So với năm 2023, tổng chỉ tiêu của Trường Đại học Gia Định tăng khoảng 200; đồng thời nhà trường mở thêm 3 chuyên ngành mới: Quản trị tài chính (ngành Tài chính ngân hàng), Quản trị nguồn nhân lực (ngành Quản trị kinh doanh), Xây dựng - Quản trị kênh truyền thông độc lập (ngành Truyền thông đa phương tiện).

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM dự kiến tuyển sinh 6.610 sinh viên trong năm tới, với 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (25%), xét điểm học bạ (70%), xét điểm thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM (5%). Số lượng chỉ tiêu của trường không tăng, song nhà trường dự kiến mở 2 ngành mới là Kinh tế số và Kỹ thuật phần mềm.

Ở nhóm trường công lập, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến tuyển sinh 2 nghìn sinh viên chính quy, tăng 200 chỉ tiêu so với năm ngoái. TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường giữ ổn định ba phương thức tuyển đầu vào, gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (25% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên điểm thi (kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM hoặc Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỳ thi tốt nghiệp THPT) (68% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế (7%). Năm 2024, trường mở ngành Thiết kế vi mạch với 150 chỉ tiêu. Nhiều năm trước, đây là một chuyên ngành trong ngành Kỹ thuật máy tính.

Cùng khối Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Bách khoa cũng dự kiến tuyển sinh mới 7 ngành, chuyên ngành đào tạo. Theo đó, 4 ngành mới gồm: Thiết kế vi mạch, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu; 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý xây dựng, Hóa dược, Hóa mỹ phẩm. Ngoài ra, một số chuyên ngành mới khác mà trường có thế mạnh sẽ tiếp tục được xem xét tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai.

Chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Gia Định trao đổi với học sinh. Ảnh: GDU

Chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Gia Định trao đổi với học sinh. Ảnh: GDU

Điều chỉnh tỷ trọng phương thức xét tuyển

Trường Đại học Luật TPHCM vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2024. Trường dự kiến tuyển 2.100 sinh viên, giữ nguyên hai phương thức xét tuyển. Theo ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, phương thức thứ nhất gồm tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án riêng chiếm 45%/tổng chỉ tiêu; phương thức thứ hai là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chiếm 55% tổng chỉ tiêu. So với năm 2023, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tăng 5%.

Tại Trường Đại học Gia Định, 60% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học bạ THPT, 30% cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, còn lại 10% cho phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. So với nhiều năm trước, tỷ trọng dành cho phương thức xét kết quả học bạ THPT tăng nhẹ.

Theo TS Mai Đức Toàn, những năm gần đây, xét tuyển bằng học bạ THPT trở thành phương thức nhận được sự quan tâm của các thí sinh. “Sử dụng phương thức này, thí sinh được chủ động xét tuyển, giảm áp lực học tập, thi cử và có cơ hội chọn ngành nghề đa dạng. Hơn thế, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình, thể hiện năng lực học tập thời gian dài, không phụ thuộc nhiều vào kết quả các kỳ thi duy nhất”, ông Toàn cho hay.

Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM dự kiến tuyển hơn 8 nghìn chỉ tiêu cho 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (50% chỉ tiêu); tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức (10% chỉ tiêu); xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12 (30% chỉ tiêu). Tại Phân hiệu Quảng Ngãi, nhà trường tiếp tục triển khai hình thức đào tạo 2+2 (2 năm đầu học tại Phân hiệu Quảng Ngãi và 2 năm tiếp theo học tập tại trụ sở chính ở TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ