Theo các chuyên gia, từ thực tiễn này, thí sinh có thể tham khảo để lựa chọn ngành nghề phù hợp với thời cuộc.
Rộng mở cơ hội việc làm
Theo TS Nguyễn Thị Hương Giang – Phó Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), để đón đầu xu thế, thí sinh có thể lựa chọn ngành liên quan đến Công nghệ Giáo dục (CNGD). Đây là ngành ứng dụng các nền tảng và tiện ích của CNTT vào lĩnh vực giáo dục và truyền thông. Vì thế, yêu cầu người học phải có năng lực về CNTT để tiến hành nghiên cứu, thiết kế, thực thi và vận hành các hệ thống quản lý đào tạo, thiết bị, phần cứng cũng như phần mềm dùng trong GD-ĐT.
Các sản phẩm và dịch vụ mà ngành CNGD cung cấp cho xã hội sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục hiện đại (giáo dục 4.0) nên khối kiến thức quan trọng cần trang bị cho người học đó là: Kiến thức về khoa học giáo dục, lý thuyết học tập hiện đại (thuyết kết nối, sư phạm tương tác...), dạy học trực tuyến, giáo dục thông minh... Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, CNGD có thể coi là ngành ứng dụng của ngành CNTT cho lĩnh vực giáo dục và truyền thông.
TS Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ: Ngành CNGD sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực về công nghệ, đặc biệt là CNTT chuyên cho lĩnh vực giáo dục và truyền thông, đáp ứng nhu cầu việc làm và thích ứng với sự phát triển của xã hội và khoa học - công nghệ. “Trên thế giới, thị trường lao động của ngành CNGD tăng trưởng nhanh chóng bởi sự lớn mạnh của lĩnh vực đào tạo trực tuyến như: Thị trường E-Learning ở Mỹ, châu Âu, Hàn... và xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục nhà trường thông minh - lớp học thông minh - sư phạm thông minh” - TS Nguyễn Thị Hương Giang trao đổi.
Thông tin thêm về thị trường lao động trong nước đối với ngành CNGD, TS Nguyễn Thị Hương Giang cho biết: Tại Việt Nam, thị trường lao động của ngành này được khởi động với các doanh nghiệp lớn đã mở rộng cung cấp các dịch vụ giáo dục trực tuyến (TOPICA, FPT, Viettel, Vinaphone...). Bên cạnh đó, các công ty thiết kế đa phương tiện về truyền thông và giáo dục cũng triển khai outsource (nhân lực bên ngoài) trong lĩnh vực CNGD cho thị trường thế giới như: Game giáo dục, thực tại ảo, thực tại tăng cường...; xu hướng số hóa học liệu điện tử và sách điện tử tương tác ở các nhà xuất bản và bộ phận đào tạo tại doanh nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
“Giả thiết, mỗi trường đại học/cao đẳng cần 5 cán bộ là chuyên gia CNGD và một trường phổ thông cần 2 cán bộ CNGD, phụ trách đào tạo theo hình thức E-Learning hoặc triển khai hiệu quả các ứng dụng CNTT trong dạy học/giảng dạy STEM… thì con số về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tính sơ bộ cho ngành CNGD là trên 58.500 người. Như vậy, cơ hội việc làm cho các bạn là rất lớn” - TS Nguyễn Thị Hương Giang viện dẫn.
Bắt kịp xu thế
Theo TS Nguyễn Thị Hương Giang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dạy học online là giải pháp hữu hiệu giúp HSSV bảo đảm việc học tập. Vấn đề đặt ra là, không riêng gì Covid-19, chúng ta phải cần chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra. Trong tình huống ấy, ngành CNGD có các giải pháp ứng dụng công nghệ vào trong dạy học, trong đó có dạy học online, và các chiến lược dạy học theo tiếp cận lấy người học làm trung tâm, góp phần hỗ trợ chất lượng dạy - học. Hơn nữa, CNGD sẽ cung cấp các giải pháp lâu dài để chuyển đổi số hóa cho các nhà trường, từ đó việc học tập của HSSV được bảo đảm bởi một hệ sinh thái học tập, kết nối người học – giáo viên – các bên liên quan để giúp việc học tập được toàn diện, mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng xu hướng học tập suốt đời và học tập liên tục.
TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa CNGD, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn: Các bạn có thể lựa chọn ngành quản trị CNGD. Đây được coi là xu thế công nghệ trong giáo dục hiện nay, thậm chí đã đi trước, đón đầu xu thế vận hành giáo dục thông minh. Nói cách khác, chúng ta ưu tiên đào tạo các nhà quản trị trước một bước.
TS Tôn Quang Cường cho rằng: Ngay trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ giảng viên và sinh viên của Khoa CNGD, Trường ĐH Giáo dục đã tham gia vào nhiều công việc như: Tổ chức vận hành các khóa học online; Tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hỗ trợ dạy học trực tuyến theo thời gian thực; Nâng cấp sử dụng hệ thống quản lý học tập Moodle, mở các lớp tập huấn cho giảng viên trong ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường phổ thông; Tổ chức nhiều khóa tập huấn online cho giáo viên ở xa để có thể sử dụng các công cụ, giải pháp dạy học online; Nghiên cứu và phát triển các bài giảng online; Xuất bản, cung cấp các sách hướng dẫn, phổ biến cách sử dụng công cụ dạy học từ xa…
Ngành quản trị CNGD giúp người học có kiến thức cơ bản về toán học ứng dụng, CNTT và truyền thông, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật; Kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục; Kiến thức chuyên sâu về quản trị CNGD, mạng và truyền thông máy tính, trí tuệ nhân tạo. Đây sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai. - TS Tôn Quang Cường