Tuyên Quang chủ động phòng chống rét cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Gia đình và nhà trường tại Tuyên Quang đã chủ động biện pháp giữ ấm cho trẻ mầm non, đảm bảo sức khỏe của bé trong những ngày rét đậm.

Trẻ Trường Mầm non Xuân Lập (Lâm Bình) mặc áo ấm khi đến lớp.
Trẻ Trường Mầm non Xuân Lập (Lâm Bình) mặc áo ấm khi đến lớp.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên thời tiết tại Tuyên Quang những ngày này đang rét đậm. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là trẻ mầm non, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp giữ ấm cho trẻ, duy trì tỷ lệ chuyên cần tới lớp.

Cô giáo Nông Thị Thơm, Hiệu Trưởng trường Mầm non Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết: Năm học 2023 - 2024 nhà trường có 225 trẻ, trong đó nhóm nhà trẻ có 63 bé, mẫu giáo có 162 trẻ, theo học tại 6 điểm trường với 22 cán bộ, quản lý giáo viên. Nhà trường đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét để giữ ấm cho trẻ, đảm bảo các lớp học đều trải thảm xốp, chăn đệm ấm, phòng học, phòng ngủ có hệ thống cửa đóng kín, gió không lùa vào được.

Tại mỗi lớp học, nhà trường đều trang bị bình ủ nước nóng và bình nóng lạnh trong phòng vệ sinh để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, vệ sinh của trẻ đảm bảo nước ấm về mùa đông.

Các trường mầm non chủ động triển khai các biện pháp giữ ấm cho trẻ khi đến trường.

Các trường mầm non chủ động triển khai các biện pháp giữ ấm cho trẻ khi đến trường.

Ông Khổng Văn Vinh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lâm Bình chia sẻ, năm học 2023 - 2024, bậc Mầm non có 3.228 trẻ, trong đó mẫu giáo 2.432 trẻ, nhà trẻ 796 trẻ với 282 cán bộ quản lý, giáo viên. Để thực hiện tốt công tác phòng chống rét cho trẻ, ngày từ đầu mùa đông Phòng đã có công văn chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho trẻ theo phương châm "ba cần", đó là: cần kín gió, ăn uống ấm đủ dinh dưỡng và ngủ ấm.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm và các bậc phụ huynh huy động các nguồn lực xã hội hóa để trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, quần áo ấm, mũ len, quàng khăn… cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian đưa, đón trẻ đến trường cũng như tổ chức các hoạt động ngoài trời phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần trên các lớp học luôn duy trì.

Giữ ấm, đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày rét đậm được tỉnh Tuyên Quang quan tâm.

Giữ ấm, đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày rét đậm được tỉnh Tuyên Quang quan tâm.

Theo Sở GD&ĐT Tuyên Quang, năm học 2023-2024 toàn tỉnh có gần 230.000 học sinh các cấp từ bậc mầm non đến THPT. Để đảm bảo sức khỏe, phòng chống rét cho học sinh, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các nhà trường kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh; phối hợp cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở các em mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét.

Đặc biệt, đối với các trường mầm non, cần tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo đầy đủ nước ấm, chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ. Trên cơ sở thực tế nhiệt độ ở từng địa bàn, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm, đồng thời cho phép học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phòng chống dịch bệnh mùa đông, đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc men, cử lực lượng trực thường xuyên. Để phòng bệnh mọi người cần chủ động giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Đồng thời, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.