Liên quan đến hành động Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền đặc quyền về kinh tế của Việt Nam trong những ngày qua, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại Ninh Bình - cho biết:
“Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã có ra thông cáo tuyên bố chung Ninh Bình; thông qua 7 nội dung với sự tham dự đầy đủ của các đại biểu, quan khách và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như đại diện các tổ chức Phật giáo quốc tế”.
Trong đó, nội dung thứ ba đã được thông qua với tiêu đề “Xây dựng hòa bình và bình phục hậu mâu thuẫn”. Cụ thể:
3.1. Thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên.
3.2. Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới.
3.3. Khuyến khích các Phật tử chủ động hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, vốn là trọng tâm của những lời dạy của Đức Phật; và đặc biệt, truyền bá trí tuệ của Đức Phật về sự tương quan tương duyên của tất cả mọi người như một gia đình toàn cầu và cùng chia sẻ hậu quả của các hành động.
3.4. Đề cao hòa bình cả nội tại và ngoại tại, bằng cách động viên các tín đồ Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề đương đại về chiến tranh, bạo lực, không khoan dung và khủng bố đang đe dọa đến hòa bình và ổn định xã hội trên toàn giới.
3.5. Khuyến khích và đôn đốc các quốc gia chịu trách nhiệm về mặt đạo đức để đạt được lý tưởng hòa bình: thấu hiểu các giá trị phổ quát, đạo đức, quyền và trách nhiệm, và đặc biệt là văn hóa bất bạo động, từ bi và khoan dung của Phật giáo.
3.6. Kêu gọi thực hiện dự án giáo dục hòa bình thế giới, và dự án này sẽ trở thành mô hình mới cho việc quản trị hòa bình.
3.7. Tái khẳng định mong muốn chung và quyền con người cơ bản của tất cả mọi người sống trong hòa bình với nhau và tái khẳng định rằng mục đích chính của Liên Hiệp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết: “Tại Đại lễ lần này, đại diện Phật giáo Trung Quốc cũng tham dự các hoạt động của Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2014. Tuy nhiên, các đại biểu Phật giáo Trung Quốc đã về nước trước khi diễn ra Lễ bế mạc vào ngày 10/5 - thời điểm chính thức thông qua tuyên bố chung Ninh Bình nói trên”.
Trên tư cách là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu mong muốn các nước như Trung Quốc hay những nước có mâu thuẫn khác về tranh chấp trên thế giới giải quyết các vấn đề xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Thông qua việc hợp tác đàm phán, đối thoại bằng con đường ngoại giao để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp vì sự ổn định và tiến bộ chung của xã hội loài người càng sớm càng tốt.
Cùng quan điểm, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2014 - cho rằng, đạo Phật từ bi, cứu khổ mà thấy những người đang chịu khổ nạn thì không thể làm ngơ.
Tinh thần của đạo Phật là hòa hợp, hòa giải và đối thoại để chia sẻ chứ không dùng bạo động. Vì vậy đây cũng là vấn đề chung được đặt ra trong tuyên bố Ninh Bình - Vesak 2014.
“Có người nói rằng đây là quan hệ riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng đại đa số lại cho rằng đây là vấn đề thực tiễn mà chúng ta cần phải giải quyết chứ Phật giáo không né tránh” -Thượng tọa Thích Đức Thiện nói thêm.
“Phật giáo không gắn liền với chính trị, nhưng chúng tôi không thể yên lòng khi có sự mâu thuẫn, tranh chấp sẽ dẫn đến chết chóc, đau thương.
Cho nên, Phật giáo tham gia góp ý giải quyết các vấn đề đau khổ, kêu gọi lòng từ bi trong tâm mỗi con người hướng đến sự bình an hoà bình của nhân loại” - Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.