Hồi ấy không có khái niệm khai giảng năm học mới, thay vào đó là ngày tựu trường (có nơi gọi là ngày khai trường, chứ không như bây giờ, tựu trường xong vài tuần mới đến khai giảng) và tổ chức mỗi nơi một cách, thậm chí cũng không đồng loạt trên cả nước. Tôi nhớ rất rõ những ngày đầu tháng 9, lũ học trò nghèo chúng tôi cố nài nỉ người lớn may cho được một bộ đồng phục quần xanh, áo trắng, một đôi dép nhựa cùng một cái nón vải để “lấy le” với chúng bạn, chứ không phải là do quy định về đồng phục. Cạnh đó còn chuẩn bị mấy quyển tập có hình chiếc xe xích lô, là loại tập 200 trang, được xem là sang trọng nhất. Chúng tôi còn tìm mua mấy bình mực tím và mấy cây viết ngòi lá tre để viết chữ cho đẹp. Riêng cặp da lúc ấy rất đắt tiền, nên chúng tôi thường đựng tập, sách trong các giỏ đệm, túi ni lông.
Tờ mờ sáng ngày tựu trường, ở quê tôi nhộn nhịp lạ thường. Xuồng, ghe chở học sinh chen kín mặt sông rạch. Trên các bờ ruộng, đường làng không khí nhộn nhịp không kém; lũ học trò cứ nao nao muốn đến trường thật sớm để gặp lại thầy cô, bạn bè.
Hơn 20 năm sau, tôi đưa con trai mình đến đây để bước vào lớp 1. Ngôi trường hồi đó chưa khang trang như hiện nay, nhưng cũng không còn tranh tre mái lá; bàn ghế và bảng đen quy củ hơn. Lũ học trò đã tươm tất hơn nhiều từ quần áo, giày dép, dụng cụ học tập, có nhiều đứa đến trường bằng những chiếc xe đạp mới toanh.
Lại qua gần 30 năm, hôm nay tôi đưa cháu nội đến ngôi trường cũ, nơi đón nhận thêm một cậu học trò lớp 1. Các cháu HS đều ăn mặc sạch, đẹp, gọn gàng trong những bộ đồng phục được sản xuất đồng loạt. Những chiếc ô tô đậu san sát nhau, kế bên là dãy xe máy đắt tiền xếp hàng ngay ngắn. Những đứa trẻ hồng hào thơm phức, vai đeo ba lô tự tin tiến vào cổng trường. Ngôi trường xưa giờ đã cất mới với 5 tầng cao lớn, sân trường đổ bê tông lóa mắt, những cây xanh được quây lại gọn gàng. Trường đã đạt chuẩn cấp quốc gia được vài năm nay và là một trong những ngôi trường khang trang nhất thành phố miền Tây này.
Tôi không biết mình nên mừng hay buồn. Mừng vì điều kiện học tập của học sinh bây giờ đầy đủ quá, hiện đại quá. Buồn là biết tìm đâu những dư âm ngày cũ, những hình ảnh chân chất quê mùa của lớp cũ, trường xưa. Tất cả giờ trở thành kỷ niệm trong tâm hồn một người già hoài cổ như tôi.