Rộn ràng kế hoạch đón trò
Thầy Đàm Tuấn Nam, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) trao đổi: Các trường ngoài công lập hoạt động sớm hơn so với các trường công lập 4 tuần theo quy định. Vì vậy, đầu tháng 8 trường đón học sinh trở lại trường.
Do năm học tới triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 nên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ tập trung tư vấn cho học sinh về chương trình, môn học để có lựa chọn phù hợp nhất. Qua tập huấn sách giáo khoa, các chuyên gia cũng lưu ý hướng dẫn học sinh từ bài mở đầu, cách tự học, đổi mới phương pháp học… Trường sẽ tập trung vào các vấn đề này để việc dạy và học đạt kết quả tốt nhất.
Đối với khối lớp 11, 12, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, học sinh học trực tuyến phần lớn thời gian nên cần được củng cố, ôn lại kiến thức liên quan, để vững “nền móng” trước khi bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, trường tập trung vào giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, hoạt động thể dục thể thao, trải nghiệm, trại hè, câu lạc bộ nghệ thuật tự chọn…
Bà Lê Thị Bích Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường liên cấp Newton (Hà Nội) cũng cho biết sẽ tập trung học sinh vào 1/8 và triển khai củng cố ôn tập kiến thức, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm.
Bà Dung bày tỏ: “Trong bối cảnh chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 3, 7, 10 và không loại trừ dịch Covid-19 diễn biến xấu… thì tựu trường đầu tháng 8 là phù hợp, cần thiết, giúp học sinh có thêm khoảng thời gian học tập trực tiếp.
Có con học lớp 12 Trường Marie Curie (Hà Nội), chị Nguyễn Thanh Hà bày tỏ ủng hộ khi nhà trường tập trung học sinh từ tháng 8. “Năm học vừa qua dù học theo chương trình đã tinh giản song nếu không được bổ trợ, củng cố thêm thì học sinh sẽ thiệt thòi, chất lượng giáo dục không như mong muốn, đặc biệt với học sinh lớp 12. Việc tựu trường từ 1/8 là phù hợp cần, thiết…”, chị Hà trao đổi.
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC |
Trường công “ngóng” lịch chung
Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) cho biết: Lịch tựu trường cụ thể vẫn chờ hướng dẫn chung với các trường trong huyện. Tuy nhiên, nếu đẩy sớm hơn so với mọi năm (23/8) sẽ “thiệt thòi” cho giáo viên bởi năm học cũ với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giữa tháng 6 mới kết thúc. Ngay sau đó giáo viên tiếp tục tham gia tập huấn nên đến 2/7 mới được nghỉ hè.
Theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, trường hợp lịch tựu trường với các khối lớp vẫn giữ nguyên như mọi năm sẽ triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ, củng cố kiến thức vào đầu năm. Trước hết, phân luồng học sinh yếu trong mỗi khối (tại điểm trường chính) thành lớp riêng để dạy. Với học sinh điểm trường, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên củng cố thêm vào tất cả buổi chiều từ thứ 2 - 6 cho tới khi học sinh đạt yêu cầu…
Riêng với khối lớp 1 lên lớp 2, để tập trung tối đa cho hoạt động củng cố kiến thức đầu năm học, nhà trường sẽ không bố trí bất kỳ nhiệm vụ hoặc yêu cầu tham gia hoạt động nào khác với giáo viên.
“Lịch tựu trường vẫn tuân theo quy định của ngành, UBND tỉnh. Dù lịch tựu trường theo phương án giữ nguyên hay sớm hơn thì nhà trường, thầy cô vẫn sẵn sàng tâm thế, chuyên môn để bước vào năm học mới…”, thầy Tùng khẳng định.
Tại Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa), do ảnh hưởng của dịch nên kết quả giáo dục chưa đạt như mong muốn so với các năm trước. Thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Nếu tựu trường trước 20/8, nhà trường có thời gian để ôn tập lại kiến thức cũ cho các khối lớp, tăng cường tiếng Việt cho học sinh bước vào lớp 1. Mặt khác, với khối 3 học theo Chương trình GDPT mới sẽ tổ chức dạy thực nghiệm để tìm ra những vướng mắc nơi giáo viên, học sinh (nếu có), từ đó có hướng giải quyết tốt nhất khi năm học bắt đầu.
Với học sinh Hà Nội, thời gian học trực tuyến gần như cả năm học và cũng được nghỉ gần trọn vẹn mùa hè, cô Vũ Trinh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Nếu lịch tựu trường sớm hơn 1 tháng trước khai giảng cũng hợp lý và thuận tiện cho hoạt động củng cố, bồi dưỡng kiến thức, ổn định nền nếp, cho học sinh làm quen với môi trường mới.... Giáo viên cũng cần có thời gian khởi động, chuẩn bị kỹ lưỡng để bước vào năm học mới.
Đặc biệt, theo cô Hương, nhiều năm gần đây thời tiết bất thường, dịch Covid-19 chưa thể khẳng định yên ổn…, tựu trường sớm giúp trường tận dụng được khoảng thời gian an toàn cho hoạt động dạy học trực tiếp. Mặt khác, đối với học sinh lớp 1 sẽ hạn chế việc phụ huynh đua nhau cho con học trước chương trình.
“Dẫu tựu trường sớm là mong muốn và đem lại nhiều lợi ích… song các trường công lập vẫn đợi hướng dẫn của thành phố, phòng GD&ĐT chứ không thể vượt rào như trường ngoài công lập…”, cô Hương khẳng định.
Theo quy định, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với thực tiễn bảo đảm thời gian năm học 35 tuần thực học. Với trường ngoài công lập, được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm.