Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho biết: Dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm-Hà Nội) là một trong những dòng họ có nhiều đời nối nhau làm quan to và có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Tiêu biểu là gia đình Nguyễn Quý Đức, ba đời kế tiếp nhau đỗ đạt cao và đều trở thành trụ cột của triều đình, là những danh nho, danh thần một thời. Cả ba cha con ông cháu gồm Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính đều được truy phong Đại vương và Phúc thần.
Quốc sư công vị Đại vương Nguyễn Quý Kính là con trưởng của Nguyễn Quý Ân, cháu đích tôn của Nguyễn Quý Đức.
Năm 22 tuổi cụ đỗ Hương cống, được tuyển vào Thị nội văn chức, rồi thăng Lễ bộ lang trung thời vua Lê Dụ Tông, đến 40 tuổi làm Thái học tự khanh, dạy em chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh, rồi giữ chức Bồi tụng.
Sau đó, dưới thời vua Lê Thuần Tông, cụ được thăng chức Thái bộc tự khanh, Thanh Hoa sứ, tiếp đến là làm Thị giảng rèn dạy em chúa Trịnh Giang là Trịnh Doanh. Năm 1738, dưới thời vua Lê Ý Tông, cụ lĩnh chức Bồi tụng, Công bộ hữu thị lang, năm sau thăng Lại bộ hữu thị lang.
Cống hiến trọn đời cho dân, cho nước, Danh nhân Nguyễn Quý Kính đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp cao cả, đáng trân trọng, được sử sách ghi nhận. Các tác phẩm của cụ để lại gồm các bộ “Tứ thư” và “Ngũ kinh”, “Trung hiếu kinh chú giải”...
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày mất của Danh nhân Nguyễn Quý Kính, Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau đó, diễn ra nghi thức trao tặng tượng đồng Danh nhân Nguyễn Quý Kính và rước tượng đồng về Từ đường dòng họ Nguyễn Quý (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Tượng đồng do nghệ sỹ Tạ Duy Đoán và nhóm các nghệ nhân đúc. Tượng có được là nhờ Chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng.