Sau khi triều Nguyễn chấm dứt, ngôi miếu đã bị bỏ hoang cho đến năm 1991, các vị bô lão địa phương đã tự nguyện góp cũng đã xây một ngôi miếu nhỏ 3 gian làm bằng xi măng cốt thép có chiều dài 3,5m, rộng 1,1m và cao 2,3m.
Những năm gần đây, Hội Đông y Thừa Thiên - Huế đã tôn tạo ngôi miếu và thiết lập thêm bài vị của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh thiền sư, hai vị danh y nước nhà và tiến hành khôi phục lại nghi lễ tế danh y Việt Nam và tưởng niệm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông tại Tiên y miếu vào dịp rằm tháng Giêng để tưởng nhớ các bậc danh y Việt Nam và xem đây cũng là ngày lễ truyền thống của ngành Đông y.
Lê Hữu Trác sinh ngày 11 tháng 12 năm Canh Tý (1720) tại thôn Văn Xá (làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương - nay là xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên).
Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với ở quê mẹ thôn Bầu Thượng (hay Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An).
Ông qua đời vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ (thuộc xã Sơn Trung, Hương Sơn).
Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư.
Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.