Đối thoại, lắng nghe để hiểu hơn mong muốn của người học

GD&TĐ - Ngày 15/7, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM đã tổ chức hội nghị Đối thoại nhà trường và sinh viên năm học 2022-2023 với sự có mặt của gần 300 sinh viên.

Ban giám hiệu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM tại buổi đối thoại với sinh viên.
Ban giám hiệu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM tại buổi đối thoại với sinh viên.

Lắng nghe để thay đổi

Phát biểu khai mạc tại buổi đối thoại, TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho biết: Mục tiêu của buổi đối thoại nhằm lắng nghe các ý kiến của sinh viên, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để cùng tháo gỡ, hướng tới mục tiêu phục vụ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học.

Trong giai đoạn vừa qua trường trải qua không ít thăng trầm. Nhà trường muốn thay đổi không chỉ về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, dịch vụ phục vụ..., mà thay đổi nhiều thứ để Nhà trường phát triển được tốt nhất. Những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các bạn sinh viên hôm nay cho Nhà trường sẽ rất quý báu, bởi nó giúp cả hai phía (nhà trường và người học) cùng nhau xây dựng một môi trường học tập thân thiện và chất lượng" - TS Việt Anh nói.

Sau lời gợi mở một cách thẳng thắn từ phía thầy Phó hiệu trưởng phụ trách, hàng chục ý kiến đóng góp từ phía các sinh viên đã được gửi tới ban giám hiệu Nhà trường. L.H, sinh viên ngành Luật nêu ý kiến về việc sắp xếp lịch thi của phòng Đào tạo là rất ngặt với sinh viên khi lịch thi được bố trí và sắp xếp không có khoảng hở để sinh viên ôn bài.

"Em thấy trường sắp xếp lịch thi quá cận ngày, sinh viên không có thời gian ôn thi, mong xem xét vào các học kỳ sau ạ. Lịch thi gì mà thi 4 ngày liên tiếp không có ngày nghỉ khiến tụi em không có thời gian rà soát lại kiến thức. Bên cạnh đó, việc sắp xếp phòng học cũng bị chồng nhau, thời khóa biểu phòng học chưa hợp lý" - bạn H nói.

Có chung nhận định Nhà trường cần thay đổi việc sắp xếp lịch thi sao cho hợp lý, 2 bạn bạn sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Trung và Kế toán cho rằng; ngoài việc thay đổi lịch thi cho sinh viên dễ thở, nhà trường cần tăng cường giáo viên bản ngữ trong quá trình giảng dạy cho sinh viên, cần có kế hoạch đưa sinh viên đi thực tập, kiến tập (học kỳ doanh nghiệp) sớm để sinh viên có điều kiện tích lũy kinh nghiệm cho mình.

Ngoài các ý kiến về thay đổi và sửa sang trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, nhiều ý kiến của các bạn sinh viên cũng quan tâm đến việc cần xây dựng văn hóa học đường một cách chỉn chu và chuyên nghiệp hơn thông qua quy định mặc đồng phục khi đi học 1 ngày trong tuần.

Một sinh viên nêu ý kiến đóng góp của mình tại buổi đối thoại.

Một sinh viên nêu ý kiến đóng góp của mình tại buổi đối thoại.

Nhà trường cần nghiên cứu để sớm xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng song ngành để đáp ứng nhu cầu của người học, cũng như cần có sự cải thiện thật tốt về điều kiện cơ sở vật chất trong việc phục vụ sinh viên học và tham gia các hoạt động giáo dục thể chất...

Ngoài các ý kiến đóng góp trực tiếp đến hoạt động học tập, nhiều sinh viên cũng nêu ý kiến với Ban giám hiệu Trường ĐH Hùng Vương TPHCM về việc cần đẩy mạnh giám sát chất lượng đội ngũ giảng viên. Một sinh viên nêu ý kiến: Trường có kiểm tra chất lượng bài giảng của giảng viên xem có được cập nhật với xu hướng, yêu cầu thực tế hiện tại hay không?. Giảng viên B.V.S dạy các môn Chủ nghĩa KHXH bị phản ánh nhiều bao giờ trường mời thay?... Việc chuẩn đầu ra của trường về Tin học và Ngoại ngữ có là bắt buộc không và bao giờ thực hiện?

Quyết xây dựng chất lượng từ những điều nhỏ nhất

Thống kê hàng trăm ý kiến đóng góp từ trực tiếp và gián tiếp gửi về cho Ban giám hiệu Nhà trường, TS Việt Anh - Phó hiệu trưởng Phụ trách trường cho biết các ý kiến gộp chung chủ yếu ở 6 nhóm vấn đề đó là chương trình đào tạo, kế hoạch học tập; chất lượng giảng viên; thực tế, thực tập và hỗ trợ việc làm; chính sách học bổng; các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa; cơ sở vật chất.

TS Việt Anh thay mặt Ban giám hiệu Nhà trường ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp từ phía các sinh viên, với các nhóm vấn đề về bố trí phòng học, khắc phục sự cố hư hỏng thiết bị phục vụ học tập, gia tăng thêm các cây nước nóng lạnh hay chấn chỉnh tình trạng nhà vệ sinh chưa sạch sẽ... ngay trong tuần sau nhà trường sẽ khắc phục triệt để.

Về việc lịch thi liên tiếp và không có khoảng trống thời gian cho sinh viên nghỉ ngơi, ôn bài, TS Việt Anh đề nghị phòng Đào tạo, khảo thí và kiểm định chất lượng, phòng học vụ, các khoa nghiêm túc tiếp thu phối hợp rà soát, chấn chỉnh ngay sự bất hợp lý này trong thời gian sớm nhất.

"Không thể hôm nay thi mới xong môn này đầu óc còn đang lơ mơ hôm sau đã thi môn khác. Điều này chắc chắn là bất hợp lý và không hiệu quả, nhất là với các sinh viên ngoài việc học còn phải đi làm thêm. Tôi yêu cầu các phòng ban nhanh chóng rà soát, bố trí lại lịch thi các môn sao cho phù hợp nhất, tối thiểu phải cách 2-3 ngày mới thi môn tiếp theo để giúp sinh viên bớt căng thẳng" - TS Việt Anh nói.

Với các ý kiến về thời gian các học kỳ, TS Việt Anh cho biết, Trường sẽ giãn cách thời gian giữa các học kỳ, đồng thời cũng sẽ bố trí lại thời gian cho hợp lý, kể cả giờ giấc vào học, thay vì 7 giờ sáng thì sẽ lui lại 7 giờ 30 hoặc 8 giờ 45. Chương trình đào tạo cũng sẽ cập nhật thay đổi để tốt nghiệp là các em có thể làm việc được ngay.

Ngoài ra, trong thời gian tới, TS Việt Anh cho biết trường sẽ có kế hoạch thực hành, thực tập rõ ràng cho sinh viên và tăng cường đưa sinh viên đến doanh nghiệp trải nghiệm... Riêng về chuẩn đầu ra tiếng Anh và tin học, TS Việt Anh khẳng định nhà trường đang làm và trong thời gian tới đây là điều bắt buộc với tất cả sinh viên.

"Chúng ta chưa làm rõ ràng là chúng ta đang bị chậm. Nhưng muốn khẳng định chất lượng đào tạo với xã hội thì ngoài công tác kiểm định chương trình, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thì chuẩn đầu ra của sinh viên chính là thước đo chất lượng của chúng ta trong cùng hệ thống GDĐH, là sự khẳng định và cam kết với xã hội, do đó buộc phải làm" - TS Việt Anh khẳng định.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Với chương trình đào tạo song ngành, TS Việt Anh nhìn nhận đây là nhu cầu và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển và hội nhập của hệ thống GDĐH Việt nam với quốc tế. Thực tế, việc đào tạo song ngành đã được triển khai ở rất nhiều trường. Sắp tới Trường sẽ nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài, tham khảo các chương trình đào tạo ưu việt sao cho gần và phù hợp nhất với thực tế và nhu cầu của người học để nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo song ngành cho sinh viên của trường.

"Mục tiêu chúng tôi muốn hướng tới khi xây dựng chương trình song ngành là chương trình phải gần nhất với nhau, việc học của sinh viên không quá vất vả, chi phí học tập không quá tốn kém để giúp các sinh viên có mong muốn gia tăng thêm kiến thức dễ tiếp cận chương trình và học tập được thuận lợi"- TS Việt Anh nói.

Về bài giảng và giảng viên, Phó hiệu trưởng phụ trách Nhà trường giao Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng tiến hành cập nhật kiến thức mới nhất trong các slide bài giảng. Với những giảng viên không đáp ứng tiêu chí của trường và không được sinh viên đánh giá tốt thông qua phiếu đánh giá, trường sẽ không tiếp tục mời dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.