Tương lai Việt Nam, góc nhìn khoa học từ bữa ăn học đường

GD&TĐ - Mức độ quan tâm của toàn xã hội về vấn đề sức khỏe học đường, chính xác là quan tâm từ những bữa ăn, bài tập hàng ngày của học sinh là rất lớn.

Mới đây, theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc công bố, học sinh, sinh viên Việt Nam, trong độ tuổi từ 5-19 tuổi, đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở cả nông thôn và thành thị. 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia. (Ảnh Q.M)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia. (Ảnh Q.M)

PV: Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta đề cập đến vấn đề về dinh dưỡng và thể chất của học sinh Việt Nam. Vậy hiện tại đã có phương án gì cho vấn đề này thưa bà?

Để có những số liệu thực tế, mang tính khoa học, trở thành căn cứ để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

Trong những năm qua Viện Dinh dưỡng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các mô hình nghiên cứu về bữa ăn học đường, tiêu chuẩn bữa ăn học đường. 

Đặc biệt là năm học vừa qua, chúng tôi đã tham gia Mô hình “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực” tại 10 tỉnh thành trên cả nước, giữa các vùng sinh thái khác nhau, trên đối tượng học sinh mầm non và tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Khi triển khai mô hình 41, chúng tôi thấy bữa ăn học đường và giáo dục thể chất là một vấn đề rất lớn rất cần quan tâm, nếu thực hiện tốt thì có thể giải quyết hai bài toán.

Thứ nhất là vấn đề suy dinh dưỡng. Thứ hai là vấn đề béo phì.

Trên thực tế hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi, tuy đã giảm nhiều so với 10 năm trước nhưng vẫn còn ở mức trung bình, gần 15%.

Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em khu vực thành thị đã tăng lên rất nhiều trong 10 năm qua, chưa kể đến nguy cơ về các bệnh không lây nhiễm ở trẻ em do thừa cân, béo phì của thời đại.

Điều đó cho thấy dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực giải quyết được gánh nặng kép về dinh dưỡng ở Việt Nam là suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em. 

Nhìn nhận được thực trạng đó, mô hình được thiết kế một cách khoa học, thiết thực nhất và mang tính khả thi có thể áp dụng với thực tế của địa phương.

Từ đó có những đề xuất, xây dựng các giải pháp giải quyết vấn đề dinh dưỡng học đường trong tương lai. 

Trong mô hình điểm thể lực, trí tuệ của học sinh được chăm sóc khoa học từ bữa ăn, giấc ngủ, hoạt động trong nhà trường cũng như ở nhà, nếu nhìn xa rộng hơn đó chính là tương lai của Việt Nam.

Các em có thể lực tốt, có trí tuệ tốt thì mới xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước, đất nước mới phát triển. 

PV: Như bà đã thông tin, mô hình được triển khai một cách khoa học, cụ thể là như thế nào?

Mô hình thí điểm được triển khai tại 10 tỉnh thành trên khắp toàn quốc với mục đích nghiên cứu toàn diện về đặc điểm thói quen ăn uống, ẩm thực, điều kiện, hoàn cảnh và thực trạng của dinh dưỡng, thể chất học đường trên các vùng sinh thái khác nhau. 

Cụ thể, chúng tôi chọn 20 trường tại các tỉnh: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Sơn La, Quảng Nam, Huế, Nghệ An, Thái Bình, An Giang, Hải Phòng. Trong đó có 10 trường can thiệp và 10 trường đối chứng để so sánh. 

Hoạt động triển khai qua nhiều quy trình như điều tra số liệu đầu cuối; tập huấn cho các cấp quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh; can thiệp bằng cách xây dựng bộ thực đơn, giáo dục dinh dưỡng, các bài tập thể lực khoa học trong quá trình thực hiện; giám sát thực hiện và đánh giá, so sánh kết quả khách quan sau 1 năm thực hiện mô hình điểm. 

Trong đó, quan trọng nhất là can thiệp thực đơn khoa học vào bữa ăn, giáo dục thói quen ăn uống lành mạnh và hệ thống bài tập nâng cao thể lực cho học sinh; đánh giá cơ sở vật chất và đề xuất những phương án cải tiến.

Quá trình thực hiện với mong muốn có sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ để nâng cao nhận thức của xã hội về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học đường tại Việt Nam. 

Bữa ăn học đường luôn được cả xã hội quan tâm. Ảnh QM
Bữa ăn học đường luôn được cả xã hội quan tâm. Ảnh QM

PV: Vậy sau một năm thực hiện thí điểm, hiện tại mô hình đã có kết quả như thế nào và có định hướng gì cho thời gian tiếp theo, thưa bà?

Kết thúc năm học cũng là lúc chúng tôi hoàn thành việc đánh giá kết quả thực hiện Mô hình thí điểm, để căn cứ vào đó, từ năm sau trở đi sẽ xác định mục tiêu và các lĩnh vực được ưu tiên tiếp theo của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Đề án sức khỏe học đường.

Để các học sinh hiểu về lợi ích dinh dưỡng và trân trọng nguồn thực phẩm quanh mình, nhà trường đã đưa giáo dục kĩ năng về dinh dưỡng qua các buổi học thực tế cùng những cây rau, củ, quả. Từ đó, các em sẽ hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh và loại bỏ các món làm mất cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài bổ sung dinh dưỡng, thì vận động tích cực là yếu tố quan trọng để tăng cường thể trạng. Các bài tập của mô hình thí điểm gồm 3 nội dung vận động với dụng cụ, các động tác yoga đơn giản và các trò chơi vận động, giúp học sinh bước đầu hình thành thói quen rèn luyện sức khỏe.

Điều bất ngờ lớn nhất khi thực hiện Mô hình điểm là chúng tôi nhận được sự hưởng ứng của các học sinh, sự ủng hộ của các thầy cô giáo và đặc biệt là các bậc phụ huynh. Kể cả những địa phương khó khăn về điều kiện vật chất và nhân lực như Sơn La, Lâm Đồng… 

Điều đó cho thấy rằng, mức độ quan tâm của toàn xã hội về vấn đề sức khỏe học đường mà chính xác là quan tâm từ những bữa ăn, bài tập hàng ngày của học sinh là rất lớn. 

Kết quả thực hiện mô hình điểm sẽ là một trong những nghiên cứu thực tiễn để tiến tới luật hóa các vấn đề về dinh dưỡng học đường, phần nâng cao tầm vóc trẻ em lứa tuổi vàng của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.