Theo các nhà phân tích, sáng kiến của Barack Obama rất có thể sẽ không thành hiện thực.
Khi TPP bị người Mỹ phản đối
Một trong những sáng kiến quan trọng của Tổng thống Barack Obama - thỏa thuận về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – có nguy cơ làm đổ vỡ chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á - The Wall Street Journal (WSJ) cho biết. Theo người đứng đầu đại diện thương mại của Mỹ (USTR) Mike Froman, tình thế của TPP đã đạt đến đỉnh điểm, có thể nghiêng về bất cứ bên nào, vào bất cứ thời điểm nào.
“Chỉ có một biểu quyết nhưng quyết định số phận của chúng ta: Hoặc chúng ta ấn định vai trò thủ lĩnh của mình trong khu vực, hoặc trao chìa khóa lâu đài cho Trung Quốc” - Mike Froman khẳng định. Tuy nhiên, lời lẽ thống thiết của Mike Froman cũng không làm Quốc hội Mỹ “động lòng trắc ẩn”.
Trớ trêu thay, đa số các nghị sĩ đảng Dân chủ lại tỏ ý phản đối TPP. Tệ hại hơn, nhiều nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa đã nhiều năm bảo vệ TPP, giờ đã nhanh chóng rút lui. Ngay cả hai ứng cử viên Tổng thống cũng không mấy thiện cảm với thỏa thuận này. Hillary Clinton tuyên bố phản đối TPP ở định dạng hiện tại. Điều dễ hiểu rằng bà Clinton không thể hoàn toàn từ bỏ TPP bởi chính bà đã ủng hộ nó với tư cách Ngoại trưởng dưới thời Obama - WSJ nhận định.
TPP bao gồm 12 quốc gia chiếm tới 40% nền kinh tế thế giới. Chính phủ Mỹ đã công bố ưu tiên của họ dành cho TPP từ vài năm trước. Kể từ đó, các nguồn lực quân sự khổng lồ và các nguồn lực khác đã được Mỹ chuyển tới châu Á. “Tuy nhiên, giờ đây các đối thủ của hiệp ước (cả cánh tả và cánh hữu) đều hành động kiên quyết hơn và khả năng phê chuẩn thỏa thuận tại Quốc hội ngày càng ảm đạm hơn” – WSJ cho biết.
Mong manh số phận của TPP
Theo WSJ, TPP có tầm quan trọng chiến lược, là đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Washington đã đặt cược số phận của họ vào châu Á từ năm 2011, khi sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc có khả năng biến nước này trở thành một quyền lực mạnh trong khu vực. Thỏa thuận TPP được bắt đầu đàm phán từ thời George W.Bush và trở nên ráo riết hơn dưới thời Obama. Từ đó đến nay, tình hình ngày một căng thẳng: Trung Quốc luôn tìm cách thách thức ưu thế quân sự của Mỹ, bảo vệ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở biển Đông, biển Hoa Đông, phản đối việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc - WSJ nhận định.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh đàm phán với các nước châu Á ngay sau lưng Mỹ. Chính quyền Obama từng cảnh báo: Cuối cùng, hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ viết lại quy tắc thương mại toàn cầu. Trong khi lãnh đạo các nước châu Á cho rằng cả hai thỏa thuận (với Mỹ và với Trung Quốc) đều không loại trừ lẫn nhau và chúng tôi có ý định tham gia vào cả hai - WSJ cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo: Nếu TPP thất bại sẽ làm tổn hại đến uy tín của Mỹ trong mọi lĩnh vực ở châu Á, gồm cả thương mại và quân sự. “Lý do đơn giản rằng Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào dự án này, vượt xa khả năng kinh tế của họ... Đặt các đối tác châu Á trong tình trạng lấp lửng, Chính phủ Mỹ sẽ đẩy các nước trong khu vực phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc” - Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế của Viện Lowy, ông Yuen Graham khẳng định.
Lãnh đạo các nước châu Á hy vọng rằng trước sau gì thì thỏa thuận sẽ được ký kết. Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang có chuyến thăm nước Mỹ và ông sẽ thay mặt các nước châu Á đề đạt nguyện vọng của họ. Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Lương Văn Tự chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng ông Obama có thể phê chuẩn thỏa thuận trong những tháng cuối cùng tại vị”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Mỹ -Canada (Nga), ông V.Vasilev thì “trong giai đoạn bầu cử, không diễn ra các cuộc biểu quyết quan trọng. Đây là một truyền thống chính trị Mỹ”. Nếu Barack Obama không kịp phê chuẩn TPP trước khi rời khỏi Nhà Trắng thì tương lai của thỏa thuận này vô cùng mờ mịt.