Thực tế này đang khiến NTD hoang mang vì không biết phải mua hàng ở đâu, còn cơ quan quản lý cũng đang loay hoay nhằm tìm ra phương án tối ưu để kiểm soát.
NTD mất niềm tin
Hiện nhiều tuyến phố ở Hà Nội, không khó để tìm một cửa hàng “Made in Vietnam” hay “Hàng Việt Nam xuất khẩu (XK)”. Vào một cửa hàng “Hàng Việt Nam XK” trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa - Hà Nội), chúng tôi nhận thấy, hàng ở đây khá rẻ, chỉ từ 100.000 - 350.000 đồng/chiếc, thậm chí còn có hàng sale giá siêu rẻ 50.000 đồng/chiếc. Thoạt nhìn, màu sắc của sản phẩm cũng bắt mắt song chất liệu cũng như nhãn mác được gắn trên sản phẩm không được tinh xảo.
Đến một cửa hàng thời trang khác ở đường Thái Hà (Đống Đa – Hà Nội), các loại quần, áo của những thương hiệu thời trang lớn như: Zara, Mango, H&M, Bebe, Chanel… đều được gắn mác “Made in Vietnam”. Theo lời của chủ cửa hàng này, tất cả quần áo đều là hàng XK, được doanh nghiệp (DN) trong nước gia công theo đơn đặt hàng của công ty thời trang nước ngoài và chỉ có những người thân quen mới có thể đặt hàng.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo mới đây của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), khi được hỏi về thị trường nội địa hiện có khá nhiều hàng dệt may Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho hay, ông đã từng sang Quảng Đông (Trung Quốc); ở đây họ sản xuất quần áo mang nhãn hiệu của Việt Nam nhiều vô kể. Cũng không biết bằng con đường tiểu ngạch hay chính thức mà hàng được đưa về Việt Nam và đưa vào các cửa hàng “Made in Vietnam” để tiêu thụ.
Có thể thấy, những biển hiệu “Made in Vietnam” hay các cửa hàng “giới thiệu” bán hàng xuất dư ngày càng phát triển. Nhưng thời gian qua lại xuất hiện tình trạng các công ty phân phối bán lẻ đã nhập hàng Trung Quốc về, sau đó gắn nhãn mác Việt Nam để bán trên thị trường. Việc này gây mất niềm tin của NTD Việt, làm cho DN sản xuất hàng may mặc gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.
Cơ quan chức năng cũng... bó tay
Có thể nói, vấn nạn hàng giả ngày càng nghiêm trọng khiến doanh thu từ thị trường trong nước với sản phẩm dệt may đã giảm 7 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Giang dẫn chứng, theo kế hoạch từ đầu năm, Công ty May Việt Tiến đưa ra mục tiêu đạt 1.200 tỷ đồng doanh thu nội địa nhưng từ đầu năm đến nay, DN này “kêu” quá khó khăn và xin giảm chỉ tiêu xuống còn 1.000 tỷ đồng. Ngoài Việt Tiến hiện còn khá nhiều DN khác đang “loay hoay” tìm “ngách” thị trường để có thể hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, bán hàng nội địa hiệu quả kinh tế kém xa so với XK. Bởi lẽ, DN vừa đưa sản phẩm mới ra thị trường thì mấy ngày sau đó sản phẩm nhái của công ty đã xuất hiện với giá rẻ hơn rất nhiều.
Không ít người đặt ra câu hỏi, cơ quan quản lý ở đâu khi vấn nạn hàng giả vẫn ngang nhiên “lộng hành”? Ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, hàng quần áo đội lốt “Made in Vietnam” xử lý rất khó bởi không xác định được nguồn gốc. Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã từng kiểm tra nhưng không xác định được chất lượng, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm. Nếu không tỉnh táo và đưa ra kết luận không đúng thì rất dễ dẫn đến bị DN khởi kiện...
Trong khi cơ quan chức năng còn đang “lúng túng” trong kiểm tra, kiểm soát vấn nạn này thì NTD vẫn phải phát huy tinh thần “NTD thông thái” để lựa chọn cho mình những sản phẩm tốt nhất.