Phóng viên tờ “Kommersant” Pavel Tarasenko bảo đảm rằng, trong tương lai gần, chữ viết tắt của khối sẽ không thay đổi. Vấn đề ở chỗ, tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người được các chuyên gia cảnh báo về sự hoài nghi sẽ không có những bước đi quyết liệt nhất là vào thời điểm này. Ngoài ra, những mâu thuẫn nội tại của BRICS (Khối các nền kinh tế lớn mới nổi) vẫn không hề thay đổi.
Mở màn bằng những lời chỉ trích
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tại cuộc họp BRICS bắt đầu bằng một cú huých. Cụm từ “tôi muốn bày tỏ những lời cảm ơn Bộ trưởng Ernest Araujo về việc tổ chức cuộc họp hôm nay hết sức tuyệt vời” được S.Lavrov lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, những người tham gia cuộc họp khác không nghe từ tai nghe của họ bản dịch từ tiếng Nga. S. Lavrov rõ ràng không hài lòng với điều này nhưng không thay đổi những lời mở đầu.
Sau đó, tất cả mọi thứ có vẻ như đã đi chệch hướng. Ghi nhận “vai trò chính của BRICS trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống đơn cực sang trật tự thế giới đa trung tâm”, Ngoại trưởng Nga ngay lập tức chuyển sang chỉ trích những người thường bị chỉ trích và ai đó đang ở ngay tại cuộc họp của BRICS.
“Các bước được đưa ra để làm suy yếu các thể chế và thỏa thuận quốc tế... Các giải pháp theo hình thức liên minh theo lợi ích được thúc đẩy để sau đó họ có thể áp đặt chúng lên mọi người khác... Mối đe dọa đối với an ninh quốc tế được thể hiện bằng sự tích lũy ngân sách quân sự chưa từng có, phá hủy kiến trúc của việc duy trì ổn định chiến lược...” - S. Lavrov phàn nàn. Những lời này của S. Lavrov từng vang lên trước đó hơn chục lần và dường như vẫn sẵn sàng để lặp lại chúng một lần nữa và một lần nữa.
Nhưng thông điệp chính, tất nhiên, đã được gửi đến Hoa Kỳ. Bộ trưởng Nga chỉ trích Washington vì chính sách của họ đối với Iran, làm sụp đổ Hiệp ước ABM và Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, tạo ra sự không chắc chắn xung quanh số phận của Hiệp ước START III, cũng như các kế hoạch đưa vũ khí ra ngoài vũ trụ. Tất nhiên, những luận điểm này đã không nhận được sự phản đối từ các Bộ trưởng khác.
Ngoài ra, cần phải nói về sự hòa hợp nửa vời trong mối quan hệ giữa các thành viên của BRICS. Sự khác biệt song phương vẫn hiện hữu giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Hiện tượng Brazil và tương lai của BRICS
Có thể nói, Brazil đã có bước ngoặt trong chính sách đối ngoại - thân Mỹ. Sau khi ông Jair Bolsonaro nhậm chức Tổng thống vào đầu tháng 1, một số chuyên gia bắt đầu nói về khả năng Brazil rút khỏi BRICS vì nguyên thủ quốc gia mới tỏ ra nghi ngờ về liên minh này. Ông Bolsonaro, người theo chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc và được mệnh danh là “Donald Trump của Brazil”, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ được coi là đối tác ưu tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump cho rằng, một sự thay đổi như vậy của Brazil (trong một thời gian dài được lãnh đạo bởi các Tổng thống cánh tả) là hạnh phúc.
“Khi “sao chép Trump”, Bolsonaro nói trong chương trình bầu cử của mình rằng ông sẽ biến Brazil thành một cường quốc”. Đây không chỉ là lời nói. Brazil có một chân ở thế giới thứ nhất, mặc dù chân kia vẫn ở thế giới thứ ba. Nhưng dù sao, mong muốn của Bolsonaro mâu thuẫn với việc đặt cược vào mối quan hệ với Hoa Kỳ. Rốt cuộc, họ không bao giờ quan tâm đến sự tồn tại của một cực quyền lực thay thế ở Tây bán cầu. Nhớ lại lịch sử, Hoa Kỳ luôn cố gắng hạ thấp Brazil, đặt nó ngang hàng với phần còn lại của khu vực như Honduras, El Salvador... Và đến năm 1985, Hoa Kỳ bắt đầu coi Bộ Tổng tham mưu quân đội Brazil là một kẻ thù tiềm năng” - nhà bình luận chính trị Nga Boris Martynov nhận định.
Trao đổi với tờ “Kommersant”, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác kinh doanh Hoa Kỳ của các quốc gia BRICS Vicente Barrientos nói: “Bolsonaro là nghị sĩ trong 28 năm, nhưng điều này không có nghĩa là ông thông thạo các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế. Ông đi theo “nguyên mẫu” của mình và sao chép một phần mô hình hành vi của Donald Trump. Dần dần Bolsonaro thích nghi với tình huống này và những lời hùng biện cực đoan của ông ta sẽ dịu đi. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đối với các chính sách đối ngoại và quan điểm của Brazil trong khuôn khổ BRICS”.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ Latinh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cam đoan: Không có lý do gì để tin rằng Brazil sẽ xem xét lại các bước đi của mình trong việc bảo tồn vả ủng hộ BRICS phát triển để hướng tới một thế giới đa cực.
Vicente Barrientos cũng cho rằng sẽ không có bước đi quyết liệt nào. Ông lưu ý rằng ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của Brazil là việc thúc đẩy các dịch vụ và hàng hóa của mình, và về mặt này, BRICS có thể mang lại lợi ích cho họ.
Trong khi đó, Boris Martynov trả lời ít chắc chắn hơn: “Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận sâu rộng. Tình hình phức tạp và mơ hồ. Chúng tôi chỉ có thể nói với sự tự tin rằng năm nay việc Brazil giã từ BRICS sẽ không diễn ra. Bất kỳ động thái đột ngột chống lại Hội nghị Thượng đỉnh là mất mặt”.
Trong bối cảnh của sự không chắc chắn như vậy, không cần thiết phải bàn về việc mở rộng sắp tới của BRICS. Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia, Mexico và các quốc gia khác đều bày tỏ mong muốn tham gia BRICS. Trước Hội nghị Thượng đỉnh 2018, Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết, những người tham gia cuộc họp sẽ xem xét nghiêm túc về khả năng tham gia của các quốc gia mới. Trong khi đó, Tổng thống Nga V. Putin trước đó đã lưu ý rằng những vấn đề như vậy sẽ “không được giải quyết”.
“Mở rộng ngày hôm nay là không phù hợp. Chương trình tối thiểu là bảo tồn cốt lõi của BRICS ở dạng hiện tại. Có lẽ bây giờ không phải là lúc cho các siêu dự án và các kế hoạch sâu rộng ở BRICS khi chúng ta đang trong thời kỳ quá độ” - Boris Martynov nói với Kommersant. Trật tự mới này, theo Boris Martynov, sẽ dựa trên sự hợp tác không phải của các quốc gia và khu vực, mà là của các nền văn minh.
“Sẽ có một cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa toàn cầu. Chúng tôi thấy rằng BRICS được đại diện bởi các nền văn minh. Có thể ai đó theo thời gian sẽ được kết nạp, ví dụ: Một quốc gia sẽ đại diện cho Hồi giáo chẳng hạn” - Martynov nhận định.