Với 2 chủ đề: Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn Quốc - Tiểu vùng sông Mekong, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên
Những diễn biến mới nhất trong những ngày gần đây cho thấy, tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiện xấu đi. Cụ thể, vào ngày 9/5, Triều Tiên lại một lần nữa thử tên lửa tầm ngắn. Theo TS Kim Ji Yoon, rất có thể, việc tiếp tục phóng tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ đưa tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở về vạch xuất phát. Và từ đây, triển vọng và nhiệm vụ thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở nên khá mong manh.
Cũng theo ông Kim Ji Yooon, quan hệ Mỹ - Triều đang trong tình trạng im ắng kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội. Vấn đề ở chỗ, quan niệm về “phi hạt nhân hóa” của Mỹ và Triều Tiên rất khác nhau. Washington cho rằng, phi hạt nhân hóa phải triệt để, toàn diện và có kiểm chứng, còn Bình Nhưỡng lại hiểu “phi hạt nhân hóa” đồng nghĩa với không thử vũ khí hạt nhân thêm nữa.
PGS.TS Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Đông Bắc Á cho rằng, quan hệ Mỹ-Triều, liên Triều phải được xây dựng trên cơ sở lòng tin. Nếu không có lòng tin, mọi tuyên bố chỉ mang tính đối phó.
Để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, các học giả đều đánh giá cao vai trò của ngoại giao nhân dân- vấn đề cực kỳ quan trọng mà Hàn Quốc và Triều Tiên chưa làm được. Hơn 70 năm đất nước chia cắt với hệ tư tưởng đối đầu, thế hệ trẻ Hàn Quốc dường như rất lơ mơ rằng họ đang có những người anh em bên kia sông Áp Lục.
Ngoài ra, hòa bình cho bán đảo Triều Tiên không còn là câu chuyện của riêng người dân Triều Tiên mà là câu chuyện chung của quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh ấy, rút kinh nghiệm từ bài học thống nhất của Việt Nam, PGS.TS Phạm Hồng Thái nhấn mạnh vai trò tự lực, tự cường của người Triều Tiên. Không có ý chí tự lực, tự cường, Triều Tiên khó có thể thống nhất - ông Thái khẳng định.
PGS. TS Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Đông Bắc Á đọc lời chào mừng tại Diễn đàn |
Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đều khẳng định, hòa bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên sẽ là câu chuyện dài. Mặc dù Chủ tịch Kim Jong-un vẫn kiên trì lập trường đàm phán và Hàn Quốc đang thể hiện với vai trò “xúc tác” mạnh mẽ, nhưng cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang đến gần. Ấy là chưa kể vấn đề Triều Tiên đối với Mỹ chưa phải là hệ trọng. Tóm lại, quan hệ Mỹ-Triều sẽ rơi vào bế tác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, triển vọng đàm phán đa phương đã mở ra qua chuyến công du nước Nga và đàm phán với Tổng thống V.Putin của Chủ tịch Kim Jong-un vừa rồi. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một tương lai phi hạt nhân của bán đảo Triều Tiên.
Về Hợp tác Hàn Quốc- Mekong
Hơn 100 đại biểu đến từ Hàn Quốc tham dự Diễn đàn |
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Viện HLKHXH Việt Nam thì vào thời điểm này có thể khẳng định rằng mối quan hệ Hàn Quốc với khối ASEAN đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Điều này càng được củng cố hơn khi Hàn Quốc khởi xướng Chính sách hướng Nam mới vào ngày 9/11/2017.
Trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc về ASEAN đã tăng 15 lần, từ 8,2 tỷ USD (1989) lên đến 119 tỷ USD (2015) và Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN sau Trung Quốc. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư hàng đầu ở ASEAN. Lấy Việt Nam làm “cửa ngõ” để thâm nhập vào ASEAN nói chung, các nước Tiểu vùng sông Mekong nói riêng, doanh số đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam gần bằng một nửa so với khu vực. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc hoạt động tích cực và hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Từ chỗ doanh số thương mại giữa hai nước chỉ đạt 0,5 tỷ USD vào năm 1992, đến năm 2017 đạt 61,5 tỷ USD và trong 10 thắng đầu năm 2018 đạt 54,4 tỷ USD. Trong khi đó, lĩnh vực ngoại giao nhân dân giữa hai nước cũng được tăng cường. Vào thời điểm hiện tại có khoảng 180 ngàn người Việt đang làm ăn, sing sống tại Hàn Quốc và 150 ngàn người Hàn Quốc đang làm ăn, sinh sống tại Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2918 đã có 3,16 triệu người Hàn Quốc sang du lịch ở Việt Nam, tăng 46,5% so với năm 2017.
Như vậy, sự tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau là cơ sở quan trọng để Hàn Quốc thực hiện Chính sách hướng Nam mới của mình ở ASEAN, là nền tảng để quan hệ Hàn Quốc-ASEAN ngày càng tốt đệp vì hoàn bình và thịnh vượng chung.