Điều này cho thấy, để trẻ phát triển tốt cần quan tâm chăm sóc cả mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phần lớn người dân mới quan tâm đến trẻ sau khi ra đời, thậm chí có người chỉ đầu tư khi trẻ bắt đầu đi học.
Giai đoạn vàng đang bị… bỏ rơi
Theo GS Jane Fisher (ĐH Monash), sự phát triển của trẻ em bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Khách quan có thể do môi trường, thiên tai, chiến tranh và chủ quan là sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Cũng theo GS Jane Fisher, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất.
Do vậy, các nhà khoa học đã khẳng định đây là “giai đoạn vàng” để tác động tích cực, giúp trẻ phát triển toàn diện sau này. Sự tác động đó ngoài yếu tố dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ còn là sự yêu thương, chăm sóc hàng ngày.
Đó cũng có thể là sự tham gia của trẻ trong hoạt động sống hàng ngày (trò chơi, giao tiếp…). Những trải nghiệm đó sẽ tạo cơ hội cho trẻ học cách kiểm soát và thích nghi với những bất lợi, biết tránh những tác động tiêu cực, có sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh. Về lâu dài, những trẻ được quan tâm từ trong bụng mẹ có lối sống lành mạnh, cởi mở, điểm số cũng như cơ hội việc làm tốt hơn.
Nói vậy để thấy rằng, sự phát triển của một đứa trẻ hình thành từ khi còn là bào thai. Như vậy, muốn thai nhi khỏe mạnh thì trước hết cần quan tâm đến sức khỏe, tâm lý người mẹ.
Bởi mẹ có kiến thức, có sức khỏe sẽ biết cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt. Tuy nhiên, ở nước ta, quan niệm về nuôi dạy trẻ còn nhiều bất cập kéo theo tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai và sau sinh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Kết quả nghiên cứu tại Hà Nam của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng cho thấy, 33% phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối và 2 tháng đầu sau sinh bị chứng rối nhiễu tâm trí thường gặp; 32% thường xuyên lo lắng về an ninh lương thực gia đình, 20% phụ nữ mang thai 3 tháng cuối có chỉ số cân nặng so với chiều cao thấp hơn chuẩn quy định, 80% phụ nữ thiếu I ốt, 17% thiếu máu do thiếu sắt và 19% từng bị bạo hành gia đình.
Tỷ lệ trẻ sinh thiếu tháng (14%) cũng cao gấp đôi tỷ lệ này ở các nước đã phát triển. Con của các bà mẹ gặp các nguy cơ này đều có mức phát triển trí não, vận động và kỹ năng xã hội lúc 6 tháng tuổi kém hơn các trẻ khác.
ThS Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng cho biết: Con số trên chỉ ra những vấn đề đáng suy nghĩ về sức khỏe người phụ nữ khi mang thai và những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi khi còn trong bụng mẹ và sau khi chào đời.
Thay đổi quan niệm
1.000 ngày đầu đời giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ là vậy. Song phân tích hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong nước và quốc tế cho thấy, các mô hình chủ yếu tập trung vào vấn đề làm mẹ an toàn, cải thiện chế độ dinh dưỡng và sự phát triển thể chất, thông qua việc bổ sung vi chất, hoặc hướng dẫn về nuôi con bằng sữa mẹ và cho ăn bổ sung đúng cách.
Một số ít chương trình có lồng ghép các hoạt động kích thích sự phát triển trí não của trẻ thông qua việc dùng các đồ chơi tự làm có chi phí thấp và đào tạo kỹ năng làm cha mẹ cho bố mẹ trẻ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, cho đến nay chưa có chính sách hoặc chương trình can thiệp trên diện rộng nào tác động phối hợp đồng thời vào cả tám yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ (thiếu máu thiếu sắt, thiếu I ốt, suy dinh dưỡng bào thai, nhẹ cân khi sinh, bạo hành gia đình, trầm cảm - lo âu ở phụ nữ mang thai và sau sinh, thiếu cơ hội được học tập và thiếu sự tương tác giữa người chăm sóc và trẻ), hướng đến thay đổi hành vi theo hướng tích cực, dự phòng ở người phụ nữ mang thai/người mẹ và gia đình.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng, cho rằng đã đến lúc cần phải có nghiên cứu mô hình can thiệp cộng đồng phù hợp, có đánh giá tính hiệu quả, khả năng duy trì bền vững, tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em quốc gia.
Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em (UNICEF) tại Việt Nam, ông Firday Nwaigwe cũng nhấn mạnh: Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF cũng như các nước trong khu vực đều nhất trí rằng đầu tư phát triển toàn diện cho trẻ từ đầu đời là biện pháp hiệu quả nhất cho trẻ và là biện pháp xoá đói giảm nghèo bền vững nhất.
Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của các nước, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ để phụ nữ không bị tử vong bởi nguyên nhân có thể phòng ngừa hay biết trước. Trẻ em được đầu tư nhiều hơn nữa vào giai đoạn vàng – 1.000 ngày đầu đời thay vì tập trung quá nhiều vào những năm sau này.