Để thực hiện những chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập, đặc biệt trong việc chú trọng đến thế hệ trẻ, giáo dục mầm non (GDMN) cần có những đổi mới căn bản và thực tiễn hơn.
Bình đẳng tiếp cận giáo dục
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, mầm non là bậc học nền tảng, nơi bắt đầu hình thành nhân cách, trí tuệ cho trẻ. Việc đổi mới chương trình GDMN không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo dựng môi trường học tập để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và kỹ năng cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.
Đặc biệt, phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Điều này đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục chất lượng giúp trẻ có khởi đầu vững chắc, góp phần giảm thiểu khoảng cách giữa các vùng miền, giúp trẻ có cơ hội phát triển bình đẳng. Để thực hiện mục tiêu này cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng môi trường học tập an toàn.
Từ thực tế của đơn vị, cô Nguyễn Thị Mai Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, ngoài đảm bảo trường lớp đầy đủ, sạch sẽ và an toàn, điều quan trọng không kém là chú trọng đến đổi mới phương pháp giảng dạy.
Phương pháp giáo dục cần linh hoạt, sáng tạo, khuyến khích trẻ tự khám phá và phát huy khả năng. Thay vì chỉ học thuộc lòng, trẻ cần được khơi gợi sự tò mò và ham học hỏi thông qua các hoạt động thực tế, gần gũi với cuộc sống. Điều này không chỉ phát triển trí tuệ, mà còn giúp trẻ xây dựng kỹ năng sống quan trọng như giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề.
“Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non là yếu tố cốt lõi. Giáo viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng mà phải có tình yêu, sự kiên nhẫn và khả năng sáng tạo để phù hợp với từng trẻ. Chỉ khi giáo viên thực sự hiểu và đồng hành cùng trẻ, mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của các em”, cô Mai Vân nhấn mạnh.
Bày tỏ tâm đắc với đề án phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi, cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) cho rằng, đây là sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo với bậc học mầm non.
Theo đó, thực hiện đề án cần đầu tư đủ về cơ sở vật chất đảm bảo cho trẻ được đến trường, giáo viên bố trí đủ theo yêu cầu. Hiện nay, nhiều trường công lập khó khăn về đội ngũ, phòng học xuống cấp. Để xây dựng trường chuẩn theo mục tiêu chiến lược giáo dục phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ, trong đó ưu tiên giáo viên, nhân viên trẻ có năng lực, sáng tạo và tâm huyết.

Chính quyền vào cuộc
Năm học 2024 - 2025, tỉnh Thái Nguyên có 686 cơ sở giáo dục, trong đó có 245 trường mầm non với 3.254 nhóm/lớp. Ngành Giáo dục các địa phương đã tích cực triển khai Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của tỉnh về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học.
Từ năm 2021 đến tháng 12/2024, toàn tỉnh xây mới 552 phòng học, 366 phòng chức năng và công trình phụ trợ cho cấp mầm non. Sở GD&ĐT Thái Nguyên còn chỉ đạo các đơn vị ưu tiên nguồn lực để tiến tới thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 5 tuổi và thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới. Việc đầu tư cơ sở vật chất với 95,1% phòng học kiên cố, giáo viên đạt tỷ lệ 2,14 giáo viên/lớp đã góp phần đảm bảo điều kiện để nâng cao chất lượng GDMN.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hóa (Thái Nguyên) cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo giai đoạn và hằng năm, thực hiện công tác quy hoạch, tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
“Chúng tôi thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, nhất là mầm non. Việc chăm sóc giáo dục trẻ em luôn quan tâm đúng mức, đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới giáo dục và thực hiện Chương trình GDPT 2018”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài nói.
Năm học 2024 - 2025, cô trò Trường Mầm non Thanh Định, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) được tiếp nhận và đưa vào sử dụng ngôi trường mới với đầy đủ phòng chức năng, hiệu bộ, bếp ăn, trang thiết bị cho giáo viên, trẻ.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lập phấn khởi cho biết: Cán bộ, giáo viên, phụ huynh và trẻ rất vui khi có ngôi trường mới kiên cố, khang trang, sạch đẹp, đầy đủ chức năng. Ngôi trường mới sẽ tiếp thêm động lực để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, từ đó góp phần tạo niềm tin, niềm vui cho học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Đổi mới phương pháp nuôi dạy trẻ
Cô Phan Thị Nga - giáo viên Trường Mầm non thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được biết tới như điển hình truyền cảm hứng đổi mới phương pháp giảng dạy đến đồng nghiệp. Hằng ngày, cô lên ý tưởng xây dựng lớp học hạnh phúc để các em đến trường là một ngày thật vui và ý nghĩa. Cô đã học hỏi, lồng ghép nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, Montessori giúp cho trẻ hứng thú và tích cực tham gia vào hoạt động.
Một trong những phương pháp được trẻ vô cùng yêu thích là khám phá đồ dùng học tập từ những vật liệu quen thuộc như đá cuội, lá cây, cành cây… Những sản phẩm qua bàn tay cô Nga trở nên sống động, gây sự thích thú cho trẻ khám phá và tìm hiểu. Từ những phế liệu đó trở thành đồ dùng học tập hữu ích để các em rèn luyện sự khéo tay, nhẫn nại như que tính, các con vật, đồ dùng trong nhà.
“Áp dụng phương pháp Montessori nhằm thúc đẩy phát triển các khả năng của trẻ thông qua tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh đã thực sự mang đến luồng gió đổi mới và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ. Không riêng tôi mà với nhiều giáo viên, những nỗ lực đổi mới phương pháp chỉ một mục đích khơi dậy sự hứng thú, tính chủ động sáng tạo, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện”, cô Nga chia sẻ.
Tại TP Cần Thơ, cô Nguyễn Thị Tú Trinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh cho biết, nhà trường hiện có 12 lớp với 290 trẻ. Công tác nâng cao năng lực đội ngũ được chú trọng, đảm bảo giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trong giai đoạn hiện nay.
“Nhà trường thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, rèn luyện đạo đức và tác phong sư phạm cho giáo viên. Điều này giúp thực hiện hiệu quả kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, hướng đến xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm để mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, cô Tú Trinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư, kiên cố hóa cơ sở vật chất nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, mà còn góp phần thu hút trẻ đến trường, giảm tỷ lệ nghỉ học.
Bà Nguyễn Ngọc Huệ - Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trao đổi, ngành Giáo dục thành phố đặt mục tiêu đạt 100% phòng học kiên cố vào năm 2030; tập trung xây dựng mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch dân cư, đáp ứng nhu cầu phát triển trường mầm non tại các khu công nghiệp, đô thị mới; tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa trang thiết bị giảng dạy và khuyến khích phát triển trường mầm non chất lượng cao.
“Hàng năm, sở GD&ĐT tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục sáng tạo, sử dụng phương pháp linh hoạt để giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, việc đánh giá trẻ thay đổi theo hướng thu thập, phân tích thông tin một cách hệ thống nhằm theo dõi sự phát triển và điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp”, bà Huệ thông tin thêm.