Tương lai bất ổn

GD&TĐ - Sau cuộc đảo chính hôm 1/2, Myanmar được dự báo sẽ có nhiều bất ổn và rất khó khăn để trở lại nền hòa bình tương đối trong những năm qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chính quyền quân sự Myanmar hôm 3/2 đã đưa ra các cáo buộc hình sự với bà Aung San Suu  Kyi - cố vấn nhà nước, để làm cớ kéo dài thời gian tạm giữ bà đến 15/2. Bà bị cáo buộc tội vi phạm luật xuất nhập khẩu của Myanmar - tội danh có bản án cao nhất là 3 năm tù hoặc chịu phạt. 

Tổng thống Win Myint cũng bị cáo buộc hình sự với tội danh vi phạm quy định về phòng chống Covid-19 khi không thực hiện nghiêm lệnh cách ly, vẫy một đoàn xe của đảng  Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đi qua dinh tổng thống hồi tháng 9 trước cuộc bầu cử ngày 8/11/2020. Trong cuộc bầu cử này, NLD đã giành được 83% số ghế và đây được xem là cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ dân chủ   non trẻ.

Từng là biểu tượng cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Myanmar và đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 với nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong cuộc đấu tranh của mình, bà Suu Kyi đã bị quân đội tạm giữ trong đảo chính hôm 1/2. 

Quân đội Myanmar, kiến trúc sư của Hiến pháp 2008, đã cáo buộc có gian lận trong bầu cử và cho rằng, gian lận đủ lớn tới mức sẽ đe dọa chủ quyền của Myanmar. Tổng tư lệnh Quân đội Min Aung Hlaing gọi đảo chính là “không thể tránh khỏi” và hứa rằng chính quyền quân sự sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khi các vi phạm cáo buộc được giải quyết, và hứa xây dựng “hệ thống dân chủ đa đảng có kỷ luật và trưởng thành với đầy đủ công lý”. 

G7 đã lên tiếng yêu cầu quân đội Myanmar phải chấm dứt tình trạng khẩn cấp dài 1 năm mà họ đã ban bố và khôi phục quyền hành cho chính phủ được bầu cử dân chủ hồi tháng 11.  Ngân hàng trung ương hôm 3/2 đã phải ra thông cáo báo chí trấn an người dân rằng, tiền gửi bằng đồng kyats của họ vẫn còn giá trị. 

Quan sát tình hình Myanmar, có nhiều dự đoán cho rằng tình trạng khẩn cấp sẽ còn kéo dài, trong những tháng ngày tới sẽ có thêm những hạn chế mà chính quyền quân sự ban hành. Giới quan sát cũng lo ngại rằng, sẽ có cuộc trấn áp những người tự do dân sự và cuộc đảo chính không chỉ ảnh hưởng đến chính trị mà cả giáo dục và y tế, nhất là lòng tin giữa chính phủ và công dân - lòng tin mà phải mất nhiều  năm mới tạo dựng được ở Myanmar. 

Nhiều người dân Myanmar vẫn không quên thời kỳ cầm quyền của quân đội trước năm 2010 và coi NLD là lực cản để ngăn sự trở lại đó. Những người ủng hộ NLD đã tổ chức một chiến dịch bất tuân lệnh dân sự để chống lại đảo chính của quân đội một cách hòa bình.

Hôm 3/2, các nhân viên y tế và bác sĩ ở các thành phố Yangon và Mandalay đeo băng đỏ khi làm việc và gửi lời chào 3 ngón tay trong các bức ảnh chia sẻ trên mạng xã hội - một lời chào mà những người ủng hộ dân chủ ở Thái Lan thường dùng như biểu tượng trong đấu tranh. 

Dù thời gian gần đây uy tín của bà Suu Kyi bị giảm sút nhưng bà vẫn là một tượng đài ở Myanmar. Có điều mối quan hệ giữa NLD và quân đội những năm qua vẫn không được giải quyết ổn thỏa. Quân đội vẫn có ảnh hưởng lớn trong hệ thống, họ vẫn giữ 25% số ghế trong quốc hội mà không cần qua bầu cử, họ được kiểm soát các Bộ Quốc phòng, Nội vụ và biên giới.

Điều đó khiến việc chia sẻ quyền lực với NLD trở nên khó khăn, vì nhiều thành viên NLD từng phải chịu án tù dưới thời chính quyền quân sự trước đây. 

Tình hình sắp tới ở Myanmar được chờ đợi là sẽ còn rối ren và khó bên nào kiểm soát được toàn bộ. Không chỉ là sự bất đồng giữa quân đội với NLD, từ lâu nay, ở Myanmar, sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo rất sâu sắc, một bộ phận lớn người dân sống trong nghèo khổ và vũ khí ngập tràn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.