Tướng cướp nức danh thành người đứng đầu Sài Gòn xưa

Chuyên cướp ngân hàng, tiệm vàng, Bảy Viễn 3 lần vượt ngục Côn Đảo trước khi quy hàng Pháp để leo đến chức Tổng trấn Sài Gòn và là em kết nghĩa của vua Bảo Đại.

Tướng cướp nức danh thành người đứng đầu Sài Gòn xưa

Trong giới giang hồ Sài Gòn xưa, cậu Hai Miêng, Đại Cathay, Huỳnh Tỳ… được nhiều người nhắc đến nhưng người thành công nhất về địa vị, sự giàu có là Bảy Viễn. Dần thoát khỏi việc cướp bóc, đâm chém, Bảy Viễn vươn lên thành người nắm quyền lực một vùng rộng lớn, dùng tiền kiếm được để “buôn vua”, thăng tiến trong sự nghiệp.

tuong-cuop-nuc-danh-thanh-nguoi-dung-dau-sai-gon-xua

Bảy Viễn trong một lần đọc diễn văn. Ảnh: Life

Bảy Viễn tên thật là Lê Văn Viễn, sinh năm 1904 tại khu vực quận 8 ngày nay trong một gia đình gốc Hoa. Ngày Bảy Viễn ra đời, Nam bộ hứng trận bão lớn nhất lịch sử làm chết cả nghìn người. Học hết lớp trường làng, Viễn đi bụi, học võ, xăm kín người. 17 tuổi, nam thanh niên cướp xe đạp (tài sản giá trị rất lớn bấy giờ) và bị án 20 ngày tù.

Trong cuốn Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng, khi trưởng thành, Bảy Viễn là tướng cướp nổi đình nổi đám khiến giới doanh nhân, tiệm vàng không chỉ ở Sài Gòn mà cả Nam Bộ khiếp sợ. Năm 1936, Viễn cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, lấy được 6.000 đồng (tương đương với 600 tấn gạo). Sau đó bị bắt và kết án 12 năm ở Côn Đảo.

Ngục Côn Đảo nổi tiếng canh gác nghiêm ngặt, lại cách đất liền 120 hải lý nên việc vượt ngục khó như lên trời. Nhờ võ nghệ cao, Bảy Viễn thường xuyên ra mặt bảo vệ tù nhân khi bị đánh đập nên rất được nể phục.

Thời đó, chúa ngục có cô vợ rất xinh, Bảy Viễn nhờ chất giang hồ ngang tàng đã tán đổ cô này, nhờ chuẩn bị phương tiện đóng bè vượt ngục. Được bạn tù giúp đỡ, đợi mùa gió về đất liền, ông và 5 bạn tù nữa thả bè hướng vào bờ. Ròng rã nhiều ngày, hết lương thực họ uống cả nước tiểu, ăn cá sống để cầm hơi.

Về đất liền, Bảy Viễn cướp nhiều tiệm vàng, đột nhập các xưởng gỗ trộm tiền lại phải quay ra Côn Đảo thêm 2 lần nữa nhưng đều trốn. Lịch sử trăm năm của trại tù có hơn 10 cuộc vượt ngục thành công thì Bảy Viễn đã chiếm 3 cuộc.

Năm 1945, tướng cướp lừng danh đất Sài Gòn đưa chiến hữu, đàn em gia nhập lực lượng Bình Xuyên của Dương Văn Dương (Ba Dương) - theo cách mạng chống Pháp.Giai đoạn này cũng ghi nhận việc Bảy Viễn lấy vợ theo kiểu rất ngang tàng. Biết ông Hội đồng Đống có cô con gái xinh đẹp, Viễn bỏ khẩu súng Colt rất quý thời đó vào hộp tặng rồi bắn tin muốn làm rể. Biết tiếng tăm tướng cướp lừng lẫy, ông Đống bấm bụng gả con.

Sau khi Ba Dương hy sinh trong trận chống càn ở Bến Tre, Bảy Viễn muốn giành chức Tư lệnh Bình Xuyên nhưng một số chỉ huy không tán thành. Xung đột xảy ra, Viễn mang khoảng 200 đàn em đầu hàng Pháp và được gắn lon đại tá. Được giao nhiệm vụ mở tuyến đường Sài Gòn đi Vũng Tàu, Viễn hoàn thành sau 3 năm và được nâng lon lên thiếu tướng.

Muốn leo cao trên con đường chính trị, Bảy Viễn thiết lập quan hệ thân thiết với Bảo Đại, nạp cho ông vua này hàng triệu đồng tiền Đông Dương và nửa triệu đôla. Năm 1952, Bảo Đại bổ nhiệm Bảy Viễn vào chức Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn. Sau đó, ông ta được giao chức Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định nắm mọi quyền hành ở Sài Gòn xưa.

tuong-cuop-nuc-danh-thanh-nguoi-dung-dau-sai-gon-xua-1

Sòng bạc Đại thế giới trên đường Trần Hưng Đạo của Bảy Viễn. Ảnh: S.T

Thời đó, Sài Gòn có hai sòng bài lớn nhất Đông Nam Á là Đại Thế Giới và Kim Chung. Hai điểm này do một hoa kiều có thế lực ở Ma Cao điều hành, thu nhập rất lớn. Bảy Viễn cho người ném lựu đạn vào casino làm chết, bị thương hàng chục người, cho đàn em bắt cóc, khủng bố những khách sộp rồi giành quyền làm chủ.

Bảy Viễn còn bảo kê cho mại dâm hoạt động công khai ở khu vực Bình Khang (quận 10) hay Ngã Năm Chuồng Chó (Gò Vấp)… Tiền kiếm được, mỗi tháng ông ta trợ cấp cho Bảo Đại 250.000 đồng tiền Đông Dương. Ông vua vốn tiêu xài hoang phí, ít ngân sách đã nhận Bảy Viễn làm em nuôi.

Sau năm 1954 Pháp thất thế, người Mỹ dần bước vào thay thế và nắm chính trường miền Nam. Họ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trong chính phủ của Bảo Đại. Dưới sự giúp đỡ của người Mỹ, Diệm nhanh chóng thâu tóm quyền lực, lôi kéo nhiều tướng lĩnh quân đội về phía mình.

Trong cuốn sách tiếng Pháp BayVien, Le Maître de Cholon(Bảy Viễn, ông trùm Chợ Lớn), phóng viên Pierre Darcourt viết rằng, sự phát triển của Ngô Đình Diệm là mối đe dọa với Bảy Viễn. Sau khi thảo luận với anh nuôi Bảo Đại, Viễn sẽ sử dụng quân đội lật đổ Diệm rồi lên làm Thủ tướng.

Tháng 3/1955, quân của Bảy Viễn tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích Dinh Độc Lập. Ngô Đình Diệm phải triệu Dương Văn Minh về Sài Gòn để chỉ huy quân đội chống Bảy Viễn. Tiếp đó, Diệm nhờ quân của tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế đánh khiến Bảy Viễn thua xiểng liểng phải chạy vào Rừng Sát.

tuong-cuop-nuc-danh-thanh-nguoi-dung-dau-sai-gon-xua-2

Bốt canh trại lính của quân Bình Xuyên do Bảy Viễn làm thủ lĩnh. Ảnh S.T

Cuối năm 1955, lực lượng của Bảy Viễn gần như tan nát, trốn khắp nơi. Sau khi ra Vũng Tàu, ông lên máy bay sang Pháp sống lưu vong. 3 ngưới vợ của Bảy Viễn cũng được đưa sang đoàn tụ với chồng.

Những câu chuyện về Bảy Viễn trở thành giai thoại, nhất là về kho vàng ông chôn cất trước khi trốn chạy. Sau này, nhiều người đã săn tìm kho vàng nhưng kết cục vẫn chưa rõ. Năm 1971, ông qua đời tại Pháp.

Cuộc đời Bảy Viễn và đội quân Bình Xuyên từng được đạo diễn Phương Nam tái hiện bằng bộ phim 60 tập "Người Bình Xuyên". Trong đó, diễn viên thủ vai Bảy Viễn đã để lại cho người xem về một nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp; thiện, ác khó xác định.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ