Tham dự tại điểm cầu Trường THPT chuyên Quốc Học Huế có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Sinh thời Bác Hồ từng phát biểu "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh Đoàn kết ta bền vững". Với những lời hát lay động lòng người, bài hát "Kết đoàn" đã nhanh chóng phổ biến trong vùng kháng chiến, được Bác Hồ sử dụng thường xuyên trong lúc mở đầu hoặc kết thúc các cuộc hội nghị, mít tinh, tiếp xúc nhân dân, tôn vinh tinh thần đoàn kết - một trong những nguồn động lực tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng.
Đặc biệt trong lễ chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ 3 vào tối 3/9/1960 tại công viên Bác thảo Hà Nội, Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc giao hưởng 120 người và một dàn đồng ca 800 người hát bài Kết đoàn rất hào hùng, sôi động và phấn chấn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoạn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước thăm và dâng hoa lên tượng đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tại trường THPT chuyên Quốc học Huế |
Hơn 50 năm trước, ngày 10/5/1965 khi Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” đó là bản Di chúc lịch sử vô giá, chứa đựng những giá trị tư tưởng tình cảm, để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Bản Di chúc kết tinh tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã có các chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách mạnh mẽ, kiên quyết và kiên trì" chính là nối tiếp việc làm theo Di chúc của Người.
Tại chương trình, 13 phóng sự phát sóng là những câu chuyện ý nghĩa về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc về hành trình 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Ngoài ra, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: NSND Quang Thọ, NSƯT Tạ Minh Tâm, Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà...
Tại điểm cầu Trường THPT chuyên Quốc học Huế có hơn 1000 diễn viên, học sinh tham gia |
Riêng ở điểm cầu Trường THPT chuyên Quốc Học Huế- nơi ghi dấu ấn đậm nét, kỷ niệm thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác sinh sống và học tập. Đặc biệt, ngôi trường này là cái nơi ươm mầm tài năng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và giác ngộ trở thành thanh niên trí thức yêu nước. Tối 1/9, tại ngôi trường này, lãnh đạo Trung ương và địa phương cũng đã kính cẩn dâng hoa lên tượng Bác Hồ.
Cùng với các điểm cầu khác, cầu truyền hình tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã mang đến cho người xem những tiết mục giàu tính nghệ thuật sinh động với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, chiến sĩ, học sinh trên địa bàn tỉnh. Chương trình có các hoạt động như, giới thiệu phóng sự “Cội nguồn của đoàn kết - phát triển tư tưởng đoàn kết dân tộc trong quãng thời gian Người ở Huế”, giới thiệu về trường Quốc Học Huế nơi Nguyễn Tất Thành tham gia học tập những năm 1907-1908, các công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế.
Ngoài ra, các tiết mục biểu diễn “Dấu chân phía trước”, hợp xướng Đất nước trọn niềm vui do đoàn nghệ sĩ, diễn viên Huế thực hiện, liên khúc “Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại; gió lộng bốn phương...chuyển tải về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những giá trị trường tồn của bản Di chúc mà Bác viết; thể hiện được tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trí tuệ và trách nhiệm vô cùng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nội dung, tư tưởng cốt lõi của bản Di chúc cũng như quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện ước nguyện thiêng liêng, cao cả của Người.
Cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn” được thực hiện ở 4 địa điểm đó là Ba Đình (Hà Nội) Làng sen (Nam Đàn, Nghệ An), Trường THPT Chuyên Quốc học Huế và Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh) với 4 chương: "Đoàn kết để thống nhất đất nước", "Đoàn kết để phát triển đất nước", "Trong sạch để giữ khối đại đoàn kết" và "Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc". Đây là Chương trình kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày mất của Người; đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp đổi mới của đất nước, động viên cán bộ và nhân dân tích cực thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trước đó, trong chiều 1/9 Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan (P. Thuận Lộc – TP. Huế) và thăm Trung tâm điều hành Đô thị thông minh.