Tuổi tác không quan trọng, miễn là người có tài và có tâm

Tuổi tác không quan trọng, miễn là người có tài và có tâm
Nhà thơ Trần Quang Đạo
Nhà thơ Trần Quang Đạo

Nhà thơ Trần Quang Đạo: Sáng tạo văn chương là sáng tạo muôn đời. Việc sáng tạo hiện nay có điều kiện hơn trước kia, có nhiều nguồn, nhiều thứ để học mà sáng tạo. Và, các tác phẩm ra đời cũng đa dạng hơn. Xưa chỉ có một khuôn mẫu để sáng tạo, ví dụ khuôn mẫu của Thơ Mới. Chất lượng ngày nay đã hay chưa thì tôi chưa nói, mà để đánh giá được thì cần sự đánh giá một cách nghiêm cẩn.

- Cuộc sống ngày nay gấp gáp, và nhà văn phải cạnh tranh với nhiều phương tiện truyền thông khác. Theo ông nhà văn hiện nay đã bám sát cuộc sống hay chưa?

Nhà thơ Trần Quang Đạo:  Xét về mặt tác dụng và tác động xã hội, nhà văn ngày nay thua xa thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, đó là điều đương nhiên. Ngày xưa, nhà văn sáng tác để phụng sự lý tưởng chung, phụng sự xã hội, đó là giải phóng dân tộc, độc lập tự do, là vấn đề chung của cả dân tộc. Còn ngày nay, nhà văn sáng tạo phụng sự cá nhân là chủ yếu, cái chung bị nhạt nhòa đi. Cho nên, người sáng tác cũng thực hiện theo lý tưởng của mình, theo đuổi theo khuynh hướng nào thì cứ theo, cứ cố theo đó. Ngày nay, văn chương có điều kiện nhưng ít được quan tâm hơn, kể cả báo chí cũng không được quan tâm. Do cuộc sống công nghiệp và công nghệ thông tin lấn át. Báo giấy khó bán, người ta đọc nhiều trên mạng, chỉ cần nhấn vài thao tác là xong. Còn để nói đã bám sát cuộc sống hay chưa, thì phải khẳng định là chưa.

- Năm nay, văn học trong nước có chiều hướng sôi động, nhiều cây bút ra sách. Về chất lượng, cá nhân ông đánh giá thế nào?

Nhà thơ Trần Quang Đạo:  Về văn xuôi tôi tìm hiểu vừa phải thôi. Còn về thơ, 20 năm trở lại đây chuyển đổi rất lớn, rất ghê ghớm. Văn xuôi, thi pháp không có gì mới, ví như Nguyễn Ngọc Tư. Văn của Ngọc Tư chỉ mới văn thôi, chứ thi pháp chưa có gì. Còn văn Đỗ Hoàng Diệu chỉ là học đòi thôi, chưa hình thành một cá tính, một bản chất văn.

Chuyển động mạnh của thơ ngày nay cũng không tác động mạnh đối với xã hội. Thơ giờ chỉ dùng cho lượng ít độc giả, và sự phân hóa người đọc của thơ là rất nhiều. Có người thích đọc loại thơ nôm na, sướt mướt hay cảm động một chút. Có câu thơ ngày xưa người ta đọc, thấy thích nhưng ngày nay lại thấy ngới ngẩn, ấy vậy vẫn có người ngày nay còn thích câu thơ ngớ ngẩn đó. Sự phân hóa về gu, thẩm mỹ, trí tụê, cảm nhận người đọc hoàn toàn khác nhau. Cho nên tìm được mẫu số chung cực kỳ khó, nhưng bản chất của thơ không cần mẫu số chung. Câu thơ nào lừng lững, có sức sống sẽ tồn tại được với thời gian.

- Nhiệm kỳ khóa VII vừa qua - Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được gì?

Nhà thơ Trần Quang Đạo: Nhiệm kỳ khóa VII là nhiệm kỳ làm được nhiều việc hơn hẳn những nhiệm kỳ trước: Mở trại sáng tác, giao lưu văn học, giới thiệu văn học ra thế giới...

Tuy nhiên, con người trong BCH, trong các Hội đồng ngày càng xa nhau, không có sự hợp tác phát huy trí tụê, giúp cho Hội Nhà văn phát triển. Có người có uy tín văn chương nhưng mặt tổ chức hội lại quá kém. Có người không hợp tác với Hội chỉ vì những chuyện cá nhân. Tôi không tin vào những người trẻ ở BCH, họ không thuyết phục được người già. Tôi rất đau vì cùng thế hệ họ.

Là người trẻ phải cộng tác với người già, phải làm người già phục và thấy được cái tài của mình. Không thể chấp nhận việc quay ngoắt với thế hệ trước. Xã hội là một dòng chảy, tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để chuyển giao thế hệ mới là tốt. Người trẻ  trong BCH khóa VII không làm được gì có ích cho văn học cả. Nếu họ mà giỏi, người già tâm phục khẩu phục ngay, họ sẽ không làm gì ảnh hưởng đến người trẻ.

- Ông kỳ vọng gì ở đại hội khóa VIII?

Nhà thơ Trần Quang Đạo: Tôi mong muốn một đại hội dân chủ, tìm được một vị lãnh đạo sáng suốt nhất để lãnh đạo Hội Nhà văn. Muốn được như vậy tất cả các hội viên phải kết hợp với nhau. Hội viên hiện hơi “lơ mơ”, cảm tính nên việc hòa nhập và để bầu một vị lãnh đạo sáng suốt cũng hơi khó. Sau đó, phải có điều lệ chuẩn của Hội Nhà văn như một “hiến pháp”, tất cả từ Chủ tịch đến hội viên phải thực hiện nghiêm túc.

Tôi cũng kỳ vọng thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ hãy biết yêu thương lớp nhà văn sau hơn. Vì họ là thế hệ con cháu, kế tiếp sự nghiệp của cha ông. Hãy dành sự yêu thương tốt nhất cho họ, đừng độc tôn, bảo thủ và phải biết quy hoạch họ để chuyển giao thế hệ, giúp cho Hội Nhà văn phát triển.

Đại hội lần này phải làm cho các hội viên xích lại gần nhau. Các nhà văn cần tôn trọng nhân cách, tác phẩm của nhau.

Hội Nhà văn là một hội xã hội, chính trị nghề nghiệp, do Nhà nước và dân nuôi, vậy thì hội phải làm tốt để phục vụ đất nước và nhân dân. Đối với tôi, chủ tịch Hữu Thỉnh là một lãnh đạo có nhân cách. Anh quan tâm đến lớp người cao tuổi, nhưng cần thực sự  quan tâm nhiều hơn đến lớp trẻ, lớp sau chống Mỹ...

- Ở các kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam trước, số lượng thành viên BCH trúng cử thường ít. Vậy theo ông thì BCH khoá tới nên có bao nhiêu người?

Nhà thơ Trần Quang Đạo: Nhân sự khóa VII quá ít, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta cần nhiều. Vấn đề chúng ta cần chất lượng, những người lãnh đạo tinh. Thực tế chúng ta đã có những công ty hàng nghìn người làm, mà chỉ có giám đốc với hai phó giám đốc mà quản lý đau ra đấy. Chúng ta chỉ cần bầu được những người xứng đáng, làm được việc, bầu nhiều chỉ tốn tiền của nhà nước thôi. Tôi nghĩ nên chỉ có 9 đến 11 người, 15 người thì hơi bị nhiều. Nhưng Hội đồng phải mạnh, có năng lực lãnh đạo. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Hội, chấm giải thưởng cho chính xác, kết nạp hội viên. Theo tôi nên chỉ có 4 hội đồng là: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, dịch. Chúng ta cũng nên dẹp bớt một số hội đồng chứ không nên có tràn lan, và để dưới hội đồng là các tiểu ban.

- Vậy, những người ở BCH nên ở độ tuổi bao nhiêu thì đảm bảo năng lực lãnh đạo?

Nhà thơ Trần Quang Đạo: Theo nhà nước quy định, từ 65 tuổi phải nghỉ làm việc ở Hội Nhà văn, trừ trường hợp đặc biệt, người quá tài năng, lãnh đạo xuất sắc, người ta có thể làm đến năm 72 tuổi. Không thể biến Hội Nhà văn thành một nhà dưỡng lão. Phải có người trẻ tài năng thì mới có cơ thay đổi Hội Nhà văn. Các ấn phẩm báo chí của Hội cũng cần cải tổ, cần người tài năng về làm, phải có khuynh hướng để làm mạnh.

Trách nhiệm này là của BCH Hội Nhà văn mới và ông tân Chủ tịch hội. Các hội viên cũng phải có đóng góp, chứ nhà văn không được đòi hỏi, trong khi anh ta chẳng có đóng góp gì cho các ấn phẩm của Hội cả.

-    Xin cảm ơn nhà thơ.

Nguyễn Quang Học ( thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ