Hiệu quả tức thì?
Cô Nguyễn Thu Hằng (Trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Khi có một sự việc nào đó liên quan đến hành động của GV bị HS hay phụ huynh đưa lên mạng xã hội, chưa biết đúng - sai thế nào, nhưng lập tức câu chuyện có thể bị thổi phồng lên bởi các “comment” (bình luận) của cư dân mạng.
“Theo tôi, thông tin về GV, nhà trường khi đưa lên mạng xã hội bởi một cá nhân thường là một chiều. Có những thông tin chưa được kiểm chứng từ chính GV bị đưa lên mạng và các HS khác trong lớp. Thậm chí, có phụ huynh không cần trao đổi với GV, cứ bức xúc là tung thông tin về GV lên mạng. Cách làm một chiều như vậy không có tính GD và thiếu tính xây dựng”, cô Thu Hằng nhận xét.
“Tất nhiên, không phải việc gì phụ huynh, HS đưa lên mạng cũng sai. Ngược lại, khi GV nhận thấy một sự việc có vấn đề với học trò, GV nên chủ động sớm trao đổi với phụ huynh, HS để tìm được cách giải quyết thỏa đáng và tích cực”.
“Việc đưa GV và những “lỗi” của họ lên mạng xã hội có thể có hiệu quả ngay lập tức. Song mặt khác có thể khiến các bên trở nên thiếu thiện chí để giải quyết vấn đề một cách văn minh hơn. Phụ huynh có quyền phản ánh về lỗi của GV, nhưng đưa lên mạng xã hội chưa phải là một cách làm tối ưu trong nhiều trường hợp”. Cô Phương Diệp (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội) nhận định.
Theo cô Phương Diệp, một khi đã có phản ứng của phụ huynh và HS qua bất kỳ một kênh nào, không chỉ qua mạng xã hội, bản thân GV bị phản ánh phải tự nhìn lại bản thân.
Làm gương để tránh “có tật giật mình”
Trước thực tế HS, phụ huynh có thể dễ dàng “tung hê” GV lên mạng xã hội - Một số GV trao đổi rằng họ cảm thấy không thoải mái với việc HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
“Về quy định GV và HS trong giờ học không được sử dụng điện thoại di động, GV hãy thực hiện nghiêm chỉnh, làm tốt công tác quản lý lớp học, chắc chắn sẽ không có chuyện HS sử dụng thiết bị di động để quay phim, chụp ảnh GV. Bản thân GV phải chuẩn mực về hành vi, lời nói và hành động trên lớp nếu không sợ “có tật giật mình””, cô Thu Hằng nhận xét.
Tuy nhiên, theo nhiều GV, không thể cứng nhắc với HS trong việc sử dụng điện thoại di động. Nhất là với HS bậc THPT. Trong một số tiết học, có những GV vẫn cho HS sử dụng điện thoại, để các em có thể chủ động tìm hiểu thông tin, tìm kiến thức trên mạng xã hội phục vụ bài học.
Cô giáo Phương Diệp thẳng thắn: “Không ai thích khi mình làm việc gì đó mà luôn có hàng trăm con mắt theo dõi. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của GV trong giờ dạy. Nghề dạy học giống như một hình thức “biểu diễn”, nếu tâm lý GV tốt bài giảng thăng hoa hơn.
Mặc dù sử dụng điện thoại trong giờ học là không được phép, tuy nhiên, nhà trường cũng như GV không có quyền tịch thu điện thoại của HS. GV chỉ có thể yêu cầu HS không sử dụng điện thoại trong giờ học.
Điều này hoàn toàn phù hợp để bảo đảm chất lượng giờ dạy. Quan trọng nhất là GV cần hiểu rằng nếu không làm gì sai thì không việc gì phải lo lắng”.
Nếu như nhiều năm trước GV thường ở vị trí “soi” HS trong lớp, thì thời đại công nghệ, thông tin rộng khắp, HS hiểu biết hơn về quyền của mình, dường như mỗi GV lại trở thành nhân vật “bị soi” bởi tất cả HS và phụ huynh.
Cô Phương Diệp chia sẻ: “Khi cán cân GD đi dần đến sự dân chủ, đó là một sự tiến bộ, chứ không phải điều gì đáng lo ngại. Trong mọi mâu thuẫn giữa GV - HS, GV - phụ huynh đều cần sự điều chỉnh của các bên.
Để hạn chế tình trạng bị tung lên mạng xã hội, bản thân GV phải có tinh thần cầu thị. Nhận được phản hồi không tốt từ HS, phụ huynh, GV cần coi đó là một cơ hội để tự “soi” lại mình.
Hơn nữa, GV cần tự tin với những điều mình làm. Nếu GV có tâm ý tốt sẽ khiến HS, phụ huynh hiểu và tin tưởng. GV thực hiện đúng quy định, nhiệt tình, trách nhiệm, thì không chỉ HS, phụ huynh, ngay cả xã hội cũng sẽ nhìn nhận đúng về GV”.
“Phần lớn những va chạm giữa GV và HS, phụ huynh thời gian gần đây, thường do một bộ phận GV không chấp hành đúng quy định, họ không tìm được tiếng nói chung với học trò. Học trò, phụ huynh và xã hội đã có những thay đổi, song GV vẫn không chịu thay đổi… từ đó dẫn đến những va chạm” - cô Phương Diệp nêu quan điểm.
HS hay phụ huynh đều có quyền bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về GV… Tuy nhiên, mục đích cuối cùng phải hướng tới đó là GD những đứa trẻ. Nếu GV - HS - phụ huynh cùng có sự điều chỉnh, lắng nghe, thấu hiểu và làm đúng trách nhiệm, rất có thể sẽ hạn chế được những va chạm, từ đó phụ huynh và HS cũng không phải “bêu” GV lên mạng xã hội.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.