Hội vật năm nay thu hút hơn 80 đô vật nam đến từ các xã, thị trấn tại các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và TP Huế tham gia. Hội vật làng sình đã tồn tại hàng trăm năm nay tại làng Lại Ân, gắn liền với truyền thống dựng và giữ nước của dân tộc. Từ thế kỷ XV, người dân làng Sình đã tổ chức hội vật vào mỗi dịp Tết để hy vọng cả năm may mắn, đủ sức khỏe cày bừa và mong mùa màng được tươi tốt. Bên cạnh đó, hội vật còn là dịp để chọn ra những đô vật giỏi cho huyện và tỉnh nhà”.
Sau phần nghi lễ được tổ chức tại đình làng Lại Ân, hội vật được tổ chức ở một không gian mới vừa quy hoạch trong khu đất 0,5ha tại trung tâm của làng Lại Ân, xã Phú Mậu (Phú Vang). Sới vật dành cho các cặp đô vật tranh tài ở hai độ tuổi nhi đồng, thiếu niên (dưới 15 tuổi) và thanh niên (trên 16 tuổi) diễn ra trong suốt thời gian cả ngày 10 tháng Giêng.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã nô nức đi trẩy hội vật làng Sình. Cả bốn khán đài quanh sới vật đều chật kín người xem. Những màn đấu vật cân sức giữa các chàng trai to khỏe, lực lưỡng khiến người xem thót tim khi các đô vật liên tục tung ra những đòn, chiêu nhằm hạ gục đối thủ xuống sân cát.
Hội vật là cơ hội để thanh niên khắp các làng quê xứ Huế thể hiện tinh thần thượng võ |
Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước ba đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương có một phần hoặc cả hai phần lưng phải lấm đất, bụng ngửa lên trời.
Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua một đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết. Ngoài giải dành cho chức vô địch, làng Sình còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô vật tham gia hội vật.
Ông Trần Hiếu Cơ - Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế Trưởng Ban tổ chức Hội vật làng Sình - cho biết: “Hội vật làng Sình trước đây chỉ vật tại sân đình. Nhưng mấy năm gần đây, chúng tôi đã tổ chức quy mô lớn hơn, kêu gọi được nhiều thành phần vận động viên của khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây để giao lưu, trao đổi, xây dựng hội vật làng Sình ngày càng cải tiến và cũng đã đáp ứng nhu cầu của khán giả khắp nơi”.
Đến nay, vật võ làng Sình trở thành môn thể thao truyền thống. Người dân làng Sình dù có làm ăn sinh sống ở đâu, ngày mùng 10 Tết đều trở về làng để tham gia hội vật.
Những đòn thế tuyệt đẹp tại hội Vật truyền thống làng Sình xuân Đinh Dậu: