Tuân thủ luật chơi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Sau 4 năm đàm phán với những điều khoản ràng buộc nghiêm ngặt, cuối cùng rồi cũng đi đến thống nhất xung quanh câu chuyện xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là một tin không thể vui hơn với người trồng sầu riêng trên cả nước. Vì rằng, với diện tích khoảng 85 - 95 ngàn hécta, sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, nếu không đi đường chính ngạch thì sầu riêng Việt Nam sẽ tiếp tục “sầu” dài dài một khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp trục trặc.

Bài học về dưa hấu và hàng loạt nông sản khác xuất khẩu dưới dạng tiểu ngạch không được buộc phải đổ bỏ hoặc kêu gọi “giải cứu” từ nhiều năm qua vẫn còn đó.

Chúng ta đều biết, với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc gần như là “bể chứa” của các loại trái cây, nhất là từ các nước có chung đường biên. Lâu nay, trái cây Việt Nam có mặt tại thị trường Trung Quốc phần lớn dưới dạng tiểu ngạch.

Kiểu mua bán “hàng chợ” này vừa thuận lợi cho trái cây bán sang Trung Quốc vì không cần phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hễ thấy “bắt mắt” là thuận mua vừa bán; nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro rất cao một khi thị trường hàng chợ bên kia biên giới “ấm mình”.

Những năm qua, người nông dân Việt Nam luôn luôn nơm nớp lo âu khi bắt đầu “xuống giống” một loại nông sản nào đó mà đích đến là thị trường Trung Quốc. Nếu bên họ “ăn hàng” mạnh thì nông dân Việt Nam có của ăn của để, bằng không thì trắng tay.

Không lạ gì cảnh người ta nhúng chuối xanh hoặc sầu riêng vào những bể chứa khổng lồ có dung dịch hóa chất làm cho da bóng mẩy hơn và chín nhanh hơn khi bên kia biên giới tiêu thụ mạnh các loại trái cây đó.

Chính những đầu nậu người Trung Quốc đã cùng với các đại lý ở Việt Nam làm việc này. Không ai có thể biết được hậu quả mang lại từ việc dùng hóa chất để tăng sự “bắt mắt” hoặc cho trái cây mau chín ấy sẽ như thế nào.

Bây giờ mọi chuyện đã khác, bắt đầu từ trái sầu riêng. Như đã đề cập, bắt đầu từ ngày 11/7 vừa qua, Nghị định thư xuất khẩu trái sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, để có được vị thế trên thị trường được coi là “khổng lồ” này, chúng ta phải mất 4 năm đàm phán với những quy định khá nghiêm ngặt của luật chơi. Đó là khâu an toàn thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, Trung Quốc đặt ra rất rõ ràng về tiêu chí có mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu vào thị trường này như: Phải ghi chép nhật ký từ gieo trồng cho đến thu hoạch; các biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm như ruồi, rệp và nấm.

Vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các nhà vườn phải thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc như không được sử dụng các hoạt chất bị cấm, áp dụng các chương trình giám sát dư lượng bảo vệ thực vật đối với cây sầu riêng. Bất cứ một lỗi vi phạm dù là nhỏ nhất, cũng đều bị chối từ, thậm chí bị phạt.

Không chỉ thị trường các nước khó tính như Nhật, Mỹ và châu Âu buộc Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt mà luật chơi đã phổ biến trên toàn cầu rồi. Đã đến lúc, người nông dân nước ta cũng cần phải theo luật chơi ấy mới có thể tồn tại và làm giàu được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ