Tự ý truyền dịch: Lợi ít hại nhiều

GD&TĐ - Nhiều người có tâm lý, mệt mỏi hay đau ốm bệnh gì chưa rõ, nhờ người truyền cho 1 - 2 chai dịch là có cảm giác khỏe ngay...

Truyền dịch phải theo chỉ định của bác sĩ.
Truyền dịch phải theo chỉ định của bác sĩ.

Họ cũng thường rỉ tai nhau: Sốt à? Truyền chai nước biển là... bay! Đúng là có nhiều trường hợp, sau truyền mang lại kết quả tốt.

Nhưng nhìn chung, thói quen này, phần lợi thì ít, mà phần hại thì nhiều hơn, nhất là khi người truyền dịch chuyên môn y tế kém...

Các chỉ định

Trước tiên xin khẳng định dịch truyền là... thuốc, vì nó được sử dụng theo các chỉ định chuyên môn y tế, với liều lượng nhất định trong việc điều trị người bệnh. Đây là một loại dung dịch vô khuẩn, chứa nhiều chất hòa tan khác nhau, thường được dùng để truyền vào tĩnh mạch với một khối lượng lớn. Tùy tình trạng của người bệnh mà dịch truyền đưa vào cơ thể bằng hình thức nhỏ giọt hoặc cho... chảy tự do!

Vì là thuốc, nên dịch truyền có những chỉ định sử dụng cụ thể sau đây:

- Khôi phục khối lượng tuần hoàn của cơ thể đột ngột bị mất do các bệnh lý gây mất máu, thoát dịch đột ngột như xuất huyết, bỏng, tiêu chảy cấp, nôn nhiều...

- Trong các trường hợp bị ngộ độc: Dịch truyền có tác dụng lợi tiểu, giải độc nhằm pha loãng và đào thải chất gây tác động bất lợi cho cơ thể.

- Hỗ trợ nuôi dưỡng người bệnh trong các trường hợp hôn mê, không tự ăn uống được, bỏng thực quản, đường tiêu hóa tạm ngưng hoạt động do phẫu thuật...

- Dẫn thuốc vào cơ thể: Trong nhiều trường hợp cần đưa thuốc vào cơ thể với số lượng nhiều, liên tục và ổn định thì dịch truyền trở thành “người dẫn đường” đắc lực.

Chống chỉ định và tai biến

Tuy không có các chống chỉ định tuyệt đối về việc truyền dịch, nhưng cần hạn chế và thận trọng trong các trường hợp người bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận, đặc biệt là ở những người có tiền sử choáng với các thành phần có trong dịch truyền.

Như đã nói, dịch truyền là thuốc nên nó cũng có tác dụng phụ như các loại thuốc khác. Khi dịch truyền bị lạm dụng thì nguy cơ càng lớn và càng nhiều. Sau đây là các tác dụng phụ do dịch truyền gây ra:

Choáng dịch truyền: Choáng dịch truyền, còn gọi là sốc phản vệ, là phản ứng bất dung nạp một cách mạnh mẽ của cơ thể đối với dịch truyền. Sốc phản vệ thường xảy ra nhanh chóng ngay sau khi truyền dịch. Nguyên nhân có thể do cơ địa của người bệnh, do dụng cụ tiêm truyền có vấn đề hoặc do dịch truyền bị nhiễm chất lạ do quá trình sản xuất.

Chất lạ đó trong chuyên môn gọi là chí nhiệt tố hay yếu tố gây sốt. Các biểu hiện của choáng dịch truyền bao gồm bồn chồn lo lắng, trạng thái kích thích vật vã, rét run đột ngột, vã mồ hôi lạnh, nhiệt độ cơ thể tăng cao ≥ 39 - 40oC, mạch nhanh, cảm giác thở khó, thở nhanh, thở rít (do phế quản bị co thắt), huyết áp tụt, tím toàn thân.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong. May mà, bệnh cảnh này ít gặp. Trên thực tế thường gặp các phản ứng nhẹ hơn như bồn chồn, vã mồ hôi, ớn lạnh, rét run...

Gây suy tim cấp, phù phổi cấp: Xảy ra khi lượng dịch đưa và cơ thể quá nhanh và quá nhiều ngoài nhu cầu, sức dung nạp, tiêu thụ và đào thải của cơ thể.

Sưng đau và nhiễm trùng tại vị trí tiêm truyền, nhiễm trùng máu, viêm gan siêu vi, nhiễm HIV/AIDS, phù toàn thân, tràn dịch ở các khoang cơ thể.

Gây rối loạn nước và điện giải, đặc biệt nghiêm trọng khi tế bào não thoát dịch do mất nước ưu trương và teo nhỏ lại. Việc truyền dịch nuôi dưỡng  kéo dài một cách không cần thiết sẽ làm cho cơ thể no nê và hệ tiêu hóa hoạt động kém, niêm mạc ruột teo dần lại và mất hoặc giảm các chức năng vốn có.

Do các nguy cơ kể trên mà vấn đề an toàn cho người bệnh luôn được chú trọng. Muốn vậy, khi thực hiện truyền dịch cần đáp ứng các tiêu chí sau đây:

Người thực hiện truyền dịch phải là nhân viên y tế có chuyên môn nghiệp vụ và thạo việc.

Tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật tiêm truyền. Thực hiện đúng y lệnh chuyên môn về loại dịch truyền, lượng dịch truyền, tốc độ truyền và thời gian truyền.

Bảo đảm dụng cụ thực hiện tiêm truyền vô khuẩn tuyệt đối, sát khuẩn vị trí tiêm truyền đúng cách để tránh nhiễm khuẩn do quá trình tiêm truyền gây ra.

Có hộp thuốc chống choáng và có kỹ năng cấp cứu khi không may xảy ra tai biến, nhất là sốc phản vệ.

Luôn theo dõi người được truyền dịch trong suốt quá trình truyền dịch.

Khi thấy cơ thể mệt mỏi không tự ý truyền dịch. Ảnh: ITN.

Khi thấy cơ thể mệt mỏi không tự ý truyền dịch. Ảnh: ITN.

Các loại dịch truyền thường gặp

Về mặt dược lý học, các nhà chuyên môn phân chia dịch truyền thành ba nhóm:

Dịch truyền đẳng trương (isotonic): Loại dịch này khi đưa vào cơ thể, không gây ra sự dịch chuyển nước giữa các khu vực ngoài tế bào và trong tế bào do áp lực thẩm thấu cân bằng. Các loại dịch truyền tiêu biểu của nhóm này là Dextrose 5%, NaCl 9‰, Lactate Ringer.

Dịch truyền ưu trương (hypertonic): Loại dịch này khi đưa vào cơ thể gây ra sự dịch chuyển nước từ bên trong tế bào ra bên ngoài tế bào do khu vực bên ngoài tế bào có nhiều chất hòa tan gây tăng áp lực thẩm thấu. Các loại dịch truyền tiêu biểu của nhóm này là Glucose 10%, 20%, 30%, NaCl 10%, 20%.

Dịch truyền nhược trương (hypotonic): Loại dịch này khi đưa vào cơ thể sẽ làm cho nước từ khu vực bên ngoài tế bào đi vào khu vực bên trong tế bào, do khu vực bên ngoài có ít chất hòa tan hơn khu vực bên trong, nên làm giảm áp lực thẩm thấu. Các loại dịch truyền tiêu biểu của nhóm này là Natri chloride 0,45%.

Trong thực hành, thường chia dịch truyền thành 3 nhóm cơ bản tùy theo vai trò của nó. Gồm:

- Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu: Lactate Ringer, Natri Clorua 0,9%, Bicarbonate Natri 1,4%...

- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng: Glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin...

- Nhóm đặc biệt: Các dung dịch cao phân tử Dextran, Haes-steril, Gelofusin, huyết tương tươi, dung dịch chứa Albumin, dung dịch Lipid như Lipofundin, Intralipos, Lipovendus...

Lời khuyên

Luôn nhớ rằng, dịch truyền là một loại thuốc. Vì là thuốc nên cần được sử dụng đúng người, đúng bệnh và đúng chỉ định. Người thực hiện truyền dịch phải có chuyên môn y tế, có phương tiện sơ cấp cứu và biết cách thực hiện các kỹ thuật căn bản của sơ cấp cứu khi các tình huống bất lợi xảy ra, nhất là trường hợp choáng dịch truyền.

Loại dịch truyền, lượng dịch truyền và tốc độ truyền phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của mỗi người mà có chỉ định và điều chỉnh cho phù hợp. Cho nên, đừng vì một chút tưởng rằng sẽ khỏe trước mắt mà có thái độ dễ dãi với dịch truyền, truyền tự ý không theo chỉ định của chuyên môn. Kẻo khi tai họa ập đến thì sự ân hận đã trở nên muộn màng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.