Bài học từ phong trào bình dân học vụ:

Từ xóa mù chữ đến xóa mù công nghệ

GD&TĐ - 77 năm trước, những lớp bình dân học vụ đầu tiên ra đời để chống nạn mù chữ. Chỉ một năm sau, lớp học “có 1-0-2” đã tạo nên kỳ tích về xoá mù chữ. Bài học từ những lớp học này vẫn còn giá trị tới ngày nay.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945
Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945

Kỳ tích của nền giáo dục

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục), bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời phát động sau khi Việt Nam giành được độc lập (năm 1945). Phong trào này nhằm giải quyết “giặc dốt” - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ và chỉ sau “giặc đói”.

Năm 1945, khi Việt Nam giành được độc lập, 95% người dân mù chữ. Đây là một trong các quốc nạn với một quốc gia mới giành độc lập. Tính đến cuối năm 1945 - sau hơn ba tháng phát động, cả nước mở được hơn 22.100 lớp học, với gần 30 nghìn giáo viên và đã dạy biết chữ cho hơn 500 nghìn học viên.

Một năm sau ngày phát động, phong trào tổ chức được 75 nghìn lớp học với trên 95 nghìn giáo viên và trên 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Tới năm 1948, 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ và đến năm 1952 là 10 triệu người.

Chiến dịch xoá nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành. Đi đôi với diệt “giặc dốt”, việc bổ túc văn hoá để củng cố đọc thông, viết thạo cho những người đã thoát nạn mù chữ được tổ chức và đẩy mạnh, trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân lao động cũng được nâng lên. “Phong trào bình dân học vụ với những lớp học đặc biệt “có một không hai’ đã tạo nên kỳ tích của nền giáo dục non trẻ lúc bấy giờ”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo quả quyết.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/1954), phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển nhằm xoá mù chữ cho nhân dân trong các vùng trước đây bị chiếm đóng. Chiến dịch 3 năm (1956 – 1958) đã hoàn thành căn bản xóa nạn mù.

Sau đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển khắp nơi, đầy khí thế. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành ở miền Nam đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xoá nạn mù chữ.

Nhấn mạnh, kết quả của phong trào bình dân học vụ đã mang lại nhiều bài học quý và còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay, GS.TS Phạm Tất Dong – Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) – phân tích, các lớp bình dân học vụ đã tạo cơ hội để mỗi người dân được tiếp cận với giáo dục là được đi học. Đây là bài học đắt giá và quan trọng nhất mà đến nay khi triển khai xã hội hóa học tập, việc này vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, giáo dục phải đi vào cộng đồng, quần chúng lao động. Để toàn dân có thể đi học, những trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên cần được thành lập. Những trung tâm này gần gũi với người dân, thuận tiện đi lại tương tự với lớp bình dân học vụ được tổ chức ngay tại thôn bản, làng, xã...

Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, trước kia, việc xóa mù chữ để giúp dân biết đọc, biết viết và có hiểu biết; đồng thời còn gắn với mục tiêu chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngày nay, bài học này thể hiện ở việc phát triển giáo dục gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Một lớp bình dân học vụ ở chiến khu

Một lớp bình dân học vụ ở chiến khu

“Xóa mù” công nghệ

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, xã hội học tập của chúng ta xuất phát từ phong trào bình dân học vụ. Từ thời kỳ diệt giặc dốt (1945 – 1946) đến nay, những lớp học bình dân học vụ được hiện đại hoá để phù hợp với hội nhập quốc tế, thời kỳ 4.0. Xây dựng xã hội hội học tập được vận dụng vào Việt Nam thành xã hội chia sẻ học tập. Theo đó, mỗi người đóng 3 vai trò: Vừa là thầy, vừa là trò và là bạn của nhau.

GS.TS Phạm Tất Dong nhìn nhận, so với những ngày đầu cách mạng Việt Nam chống “giặc dốt”, thì nay người dân vẫn phải “xóa mù” công nghệ. Theo đó, phải bổ sung cho người dân những kiến thức, kỹ năng, công nghệ mới để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Chuyển đổi số gắn liền với mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục, thậm chí là giải trí... Vì thế, việc “xóa mù số” cho người dân cũng quan trọng như xóa mù chữ trước kia.

Tại Hội thảo khoa học về xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập” tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, vạn vật kết nối với nhau và con người kết nối với vạn vật. Đột phá trong kỷ nguyên này là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Điều này đang làm thay đổi sự sống và làm việc của nhân loại trên toàn thế giới.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, Việt Nam đang bị và bắt buộc phải tham gia vào dòng chảy đó. Nếu không kịp thời có chính sách đào tạo, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta sẽ bị gạt ra khỏi guồng máy kết nối số với hậu quả khôn lường.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là lĩnh vực hàng đầu chịu sự tác động trực tiếp nhất từ cuộc cách mạng số với 3 đặc điểm nổi bật là: Sự phát triển của công nghệ thông tin, tự động hóa và khoa học công nghệ.

Nhấn mạnh, ở bất kỳ quốc gia nào, sự phát triển đất nước nhanh hay chậm đều do con người, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, nếu con người có sức ỳ từ trong tư duy, nhận thức đến hoạt động tham gia vào thị trường lao động luôn biến đổi, thì đất nước ngày càng tụt hậu là điều tất yếu. Cách mạng 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến thị trường này.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế sức người. Khoa học công nghệ phát triển, nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao với các tiêu chí về năng lực vượt trội và phẩm chất đạo đức (nhân cách) trong sáng đang là thách thức, tạo áp lực lớn cho nền kinh tế nước ta.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, xây dựng xã hội học tập, trong đó hạt nhân là các công dân được học tập suốt đời. Đây là nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước bền vững do lực lượng lao động luôn được bồi đắp tri thức, các kiến thức mới. Nhà nước đảm bảo mọi điều kiện, tạo cơ hội cho họ được học tập suốt đời theo đúng tinh thần “Học không bao giờ cùng” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Học viên Trung tâm giáo dục thông minh tương lai Gyeongsangnam. Ảnh: Nguyễn Dịu

Học viên Trung tâm giáo dục thông minh tương lai Gyeongsangnam. Ảnh: Nguyễn Dịu

Nhu cầu tự thân

Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, mỗi chúng ta không chỉ khác nhau về tri thức mà còn về khả năng học hỏi. Người này có thể nhanh hơn người kia trong việc bắt kịp với sự đổi mới và áp dụng kịp thời những công nghệ hiện đại vào công việc.

Đó là do khả năng học tập, động cơ học tập của mỗi người khác nhau. Nhưng trong bối cảnh này, ai không có động cơ học tập vì sự phát triển bền vững của mình cũng sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ai cũng phải học, học suốt đời, ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình ra”.

Chính vì vậy, bản thân người học và tất cả chúng ta phải thay đổi chính mình. Hãy tin vào năng lực bản thân, vì mỗi người Việt Nam đều có sức mạnh mềm giống nhau và thành công thuộc về ai có quyết tâm vun đắp nó để trở thành thế mạnh riêng.

“Thực tế đã chứng mình, sự thành công của một con người dựa trên 70% sức mạnh mềm. Trong 4 năng lực của công dân học tập, cũng có hơn 70% là năng lực thuộc sức mạnh mềm – tài nguyên vô giá của mỗi người. Mọi người hãy phấn đấu để trở thành công dân học tập, có đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động khắt khe hiện nay” - GS.TS Nguyễn Thị Doan khuyến nghị.

Đặt vấn đề, làm thế nào để người học giáo dục thường xuyên thấy có nhu cầu thực sự và là nhu cầu tự thân; nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, chúng ta cần chuyển nhận thức từ coi trọng bằng cấp sang nâng cao trình độ thực sự cho người học. Trong giáo dục thường xuyên, cần gắn với trung tâm học tập cộng đồng ở các cộng đồng dân cư.

Ra mắt Trung tâm học từ xa của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh minh họa: TG

Ra mắt Trung tâm học từ xa của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh minh họa: TG

Theo TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, giáo dục thường xuyên là đào tạo không chính quy, với mục tiêu giáo dục người học có ý thức học tập, tự vươn lên và dùng tri thức để sống tốt hơn, có việc làm ổn định với thu nhập xứng đáng.

Với giáo dục thường xuyên nên thực hiện cá nhân hóa nhu cầu học tập của người học. Khuyến khích người học chủ động (tự học) theo sự hướng dẫn khai thác chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT.

“Hãy coi giáo dục thường xuyên là giáo dục theo nhu cầu học tập cá nhân. Từ đó phân loại người học, bố trí người dạy, phương pháp giảng dạy phù hợp. Như vậy, rõ ràng giáo dục thường xuyên được quan tâm nhiều hơn và được bố trí nguồn lực đúng với vai trò để thực sự là điểm nhấn cho một xã hội học tập” – TS Trương Tiến Tùng trao đổi.

Việt Nam đang trên con đường xây dựng xã hội học tập và mỗi địa phương, trường đại học cần trở thành tổ chức học tập. Chia sẻ quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến – giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục đồng thời nhìn nhận: Các thành viên của tổ chức học tập cần trở thành các công dân học tập.

Theo đó, tổ chức học tập ở các cơ sở giáo dục đại học thực chất là tổ chức mang nhiều khía cạnh của sự hợp tác, chia sẻ, kết nối. Mỗi thành viên, giáo viên phải là thầy, vừa là trò và là bạn của nhau. Muốn làm được điều này, cần xây dựng lộ trình với các bước đi và chính sách hợp lý để cùng hướng tới xây dựng dân tộc Việt Nam thành một “dân tộc thông thái” như mong đợi của Bác Hồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ