Tư vấn tâm lý học đường: Thử thách thực sự với người trong cuộc

GD&TĐ - Tư vấn tâm lý học đường mang lại nhiều giá trị to lớn về mặt tinh thần, giúp học trò biết cách cân bằng cảm xúc, bảo đảm sức khỏe tâm thần.

Mỗi học sinh đều cần có nơi tư vấn để giải tỏa.
Mỗi học sinh đều cần có nơi tư vấn để giải tỏa.

Tham vấn tâm lý học đường đang được chú trọng hơn để phòng tránh nguy cơ và các vấn đề tâm lý vốn ngày càng gia tăng ở học sinh.

Hành động và thiết thực

Bên cạnh các lý thuyết mà sách vở đem lại, đây là những gì tôi rút ra trong chặng đường 5 năm qua, khi đồng hành với các chuyên gia tâm lý giáo dục và những ngôi trường mà tôi được tiếp cận và chia sẻ.

Đầu tiên là thử thách nhận thức: Mong ngóng ra đời của chính sách nhưng có rồi thì hành động sẽ ra sao!? Thông tư 31/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời đã tháo gỡ cơ bản về chính sách, khá nhiều trường học, địa phương đã vận dụng tốt, nên chỉ trong 3 năm, đã có nhiều trường có vị trí/chức danh: Tư vấn tâm lý học đường. Nhưng số nhiều đó là rất ít so với yêu cầu thực tiễn. Có chăng sự lúng túng, chậm trễ triển khai vì còn ngại thay đổi mô hình, ngại học tập, thích nghi... của chính đội ngũ quản lí và giáo viên, phụ huynh...

Một số nhà trường đang cử người đi học “chuyên môn tâm lý học đường” theo lối “lấp khoảng trống”, đó là những ai trong trường học đang “ít việc”, hoặc kiêm nhiệm “y tế, thư viện”… Trong trường hợp này, chúng ta chưa nhận thức được “tư vấn tâm lý học đường” là một chuyên môn không dễ, đòi hỏi chuyên nghiệp và đặc biệt là kỹ năng tham vấn, phối hợp các lực lượng giáo dục.

Thứ hai, đó là thử thách về hành động đúng. Điều này là có thật, khi rất nhiều trường học có hành động triển khai chưa phù hợp. Chẳng hạn, nhầm giữa dạy kĩ năng mềm cho người học với tư vấn cho học sinh. Hai điều này không thể là một. Mặc dù, có giả thuyết cho rằng khi kĩ năng mềm tốt thì có thể giảm những sang trấn tâm lý! Thế nên, nghiệp vụ của tư vấn tâm lý cần được coi trọng, để người thực thi có chuyên môn, chuyên nghiệp. Ít nhất là sự chủ động trong tổ chức hành động trong trường học chứ không chờ đợi “có ca thì sẽ làm” dẫn đến nhiều phòng tâm lý học đường dựng lên cho có và thường xuyên “cửa đóng, then cài”, trong khi người học đang bế tắc, đang cần được hỗ trợ.

Thứ ba, là thử thách thích nghi với biến động xã hội, cần công cụ mới, chủ động và hòa vào mộ#t hệ sinh thái vì người học. Lúc này đây, vì cả người dạy nữa, vì dịch bệnh, giãn cách xã hội, khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các học sinh, giữa sự hội nhập và thiếu an toàn trên nhiều mặt trận/ bối cảnh sống, bối cảnh xã hội… Điều này đã được thể hiện rõ trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; của mạng xã hội… đến các trường học.

Tôi vẫn tin tưởng, nhận ra tư vấn tâm lý như là “công cụ” để xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi trường học, để từ đó chúng ta có hành động ráo riết hơn, hiệu quả hơn.

Tư vấn tâm lý cho học sinh phải sát với nhu cầu thực tiễn của các em. Ảnh minh họa
Tư vấn tâm lý cho học sinh phải sát với nhu cầu thực tiễn của các em. Ảnh minh họa

Với học sinh yếu thế

Thời điểm này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội thảo tham vấn, và nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng, thì chúng ta càng nhận ra rõ ràng “bản chất” của bất bình đẳng, scandal, bạo lực và của nhiều vấn đề khác nữa của học sinh... bắt đầu từ nhận thức, từ hành động của người lớn. Chúng ta cứ nghĩ rằng: Học sinh yếu thế có số lượng ít, ít hơn những học sinh bình thường. Những tôi không cho là thế!

Học sinh yếu thế - tôi muốn nói đến trong lúc này, không chỉ có những em có hoàn cảnh khó khăn, những em gặp những vấn đề về trí tuệ, thể chất... khiến các em thiệt thòi trong khi hòa nhập vào môi trường học tập. Tôi muốn nói đến tất cả những học trò đang không có cơ hội để trở thành trung tâm của quá trình giáo dục.

Có một sự thật rằng, trong các tiết học, cả trực tiếp lẫn lớp học trực tuyến, hơn 70% lời nói vẫn từ giáo viên, học sinh vẫn chủ yếu trả lời câu hỏi. Có quá ít học sinh được nêu vấn đề, càng ít hơn những học sinh được bày tỏ chính kiến, được học theo cách mà các em thể hiện được bản thân, được phát triển năng lực của mình.

Có một sự thật nữa, đó là kĩ năng lắng nghe của người lớn xung quanh các em còn thấp, đến nỗi, nó khiến cho các em không được rèn luyện, thực hành để biết lắng nghe, biết tự chủ, biết độc lập. Thế nên, khi lớn lên, các em bị động trở thành người “yếu thế” trong tương lai.

Có nhiều điều nữa, chẳng hạn khi đầu tư tiền, cơ sở vật chất, chương trình, nội dung... cho các em, nhưng ý kiến của các em, sự phù hợp với các em vẫn bị xem nhẹ.

Yếu thế bắt đầu từ khi nào? Từ khi chúng ta nghĩ rằng “con trẻ vẫn là trẻ con, biết gì mà nói!”, rồi chúng ta áp đặt.

Khi chúng ta chưa “lấy học sinh làm trung tâm” cho các hành động, cho xây dựng chính sách, đầu tư... Khi chúng ta áp đặt nhận thức hạn chế của chúng ta, cách làm cũ kĩ của chúng ta thì phải chăng chúng ta đang làm cho học sinh yếu thế.

Dâng tặng hoa hồng cho những người lớn biết gạt đi những gì cản trở, để chú tâm vào từng đứa trẻ, để chúng lớn lên tự chủ, tự lập, để tự quyết định mình sẽ không phải là người có thế yếu trong cuộc đời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ