Tư vấn tâm lý bắt đầu từ khơi gợi nội tâm học trò

GD&TĐ - Sáng nay (20/1), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo về công tác tổ chức hoạt động văn hoá và tư vấn tâm lý trong nhà trường. 

TS Ngũ Duy Anh phát biểu tại Hội thảo
TS Ngũ Duy Anh phát biểu tại Hội thảo

Đây là hoạt động nhằm đánh giá kết quả thực hiện quyết định 60/2008 về việc “Quy định tổ chức hoạt động văn hoá cho HS, SV trong các cơ sở GD”, cũng như công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường trong thời gian qua. Tại Hội hội thảo có đại diện của 12 sở GD&ĐT, 43 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp các tỉnh thành cả nước và 20 trường THPT, THCS... 

Hai đầu tàu trong thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường

Theo ông TS Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), hiện Hà Nội và TPHCM đang là hai địa phương đi đầu trong công tác tư vấn tâm lý học đường, nhiều tỉnh thành khác đang còn trong giai đoạn thí điểm. Ngay từ năm học 2009 - 2010, UBND TPHCM đã phê duyệt cho trường THCS, THPT hạng I được 1 biên chế GV làm công tác tư vấn tâm lý học đường. 

Trong năm 2015, tại TPHCM và Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường và tập huấn mô hình hợp tác giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

“Có thể thấy, hoạt động tư vấn tâm lý thực sự cần thiết trong mỗi nhà trường, cần được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cấp quản lý GD, nhằm cung cấp cho HS, SV “liều thuốc tinh thần”, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý. Hoạt động này cũng giúp giải quyết những khó khăn của học đường và của xã hội hiện nay” – ông Ngũ Duy Anh nhận định.

Theo các chuyên gia, việc tư vấn tâm lý ở Việt Nam trong 20 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu. Rào cản vượt qua áp lực hay sự căng thẳng đã ít nhiều được giải quyết một cách tương đối... Trong những năm gần đây, song song với hình thức tư vấn cá nhân (bảo mật tối đa), việc tư vấn cộng đồng được triển khai rộng khắp. Vì thế việc học để dạy con nên người, việc được tư vấn để có cách cư xử hợp lý với con cái, học trò của mình là điều bình thường. 

Quan trọng nhất là cách nghĩ đó là hình thức chia sẻ, hoặc đó là hình thức tương tác mang tính tích cực, không phải là dạy dỗ, càng không phải là quyết định thay cho các em... Vì thế, không có cơ chế nào bắt buộc, hay áp đặt các em phải thực hiện. Do đó cần hiểu, sự tư vấn của người tư vấn mang tính khơi gợi nội lực của các em, vấn đề còn lại các em cũng cần hiểu và nhận định vấn đề của mình chứ không thể có những tác động thiếu chuẩn mực…”.

HS, SV rất cần sự tư vấn và chia sẻ của các thầy giáo, cô giáo và đặc biệt là các bậc phụ huynh
 HS, SV rất cần sự tư vấn và chia sẻ của các thầy giáo, cô giáo và đặc biệt là các bậc phụ huynh 

Tạo điều kiện hơn nữa cho HSSV phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS Ngũ Duy Anh đánh giá cao các cơ sở GD trong thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động văn hoá và tư vấn tâm lý trong nhà trường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

TS Ngũ Duy Anh đề nghị trong thời gian tới cần thực hiện tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho HSSV phát triển hài hoà cả về thể chất và tinh thần. Ngành GD đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó một trong các vấn đề cần được thực hiện là phải đẩy mạnh GD toàn diện cho HSSV. 

Bộ GG&ĐT luôn xác định công tác tổ chức các hoạt động văn hoá và tư vấn tâm lý có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những giải pháp để tổ chức hiệu quả các hoạt động GD; đề nghị tiếp tục triển khai, thực hiện công tác tổ chức các hoạt động văn hoá và tư vấn tâm lý, cụ thể như sau:

Chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các nội dung để triển khai thực hiện các hoạt động văn hoá, văn nghệ cho phù hợp tình hình chính trị, văn hoá, xã hội; Xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hoá ứng xử cho HSSV phù hợp với ngành đào tạo và đặc thù từng trường. 

Tăng cường các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong nhà trường qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho HSSV; Xây dựng và hoàn thiện quy tắc ứng xử văn hoá trong nhà trường ở tất cả các cơ sở giáo dục. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống có văn hoá và rèn luyện năng lực thực hành cho HSSV; 

Các sở GD&ĐT, các nhà trường thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc;

Tư vấn các mối quan hệ trong xã hội; Tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; Tâm lý học giới tính và sức khoẻ sinh sản; Tư vấn tâm lý gia đình; Tư vấn tâm lý học nghề nghiệp; Tư vấn những vấn đề của xã hội hiện đại; Tư vấn phương pháp học tập ở ĐH;

Đa dạng hoá các hình thức tư vấn để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tư vấn tâm lý. Coi trọng công tác tư vấn riêng cho cá nhân để giúp các em có sự tự tin và khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt, mở rộng giao lưu và hoàn thiện nhân cách. 

Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa các chuyên gia tư vấn với HSSV về các nội dung tư vấn như tư vấn tâm lý trong học tập, giới tính, sức khoẻ sinh sản, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm…

Quan tâm đầu tư cả nguồn nhân lực và tài chính cho việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý trong nhà trường. Không ngừng mở rộng, đào tạo đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HSSV. Đồng thời có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người thực hiện công tác tư vấn tâm lý hợp lý, tương đối ổn định, yên tâm với nghề nghiệp; 

Xây dựng các phòng tư vấn tâm lý riêng ở nơi kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho HSSV khi đến liên hệ; Đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường về sân chơi, bãi tập, bể bơi…; Trang bị tài liệu, tư liệu, giúp GV và HSSV nghiên cứu về các vấn đề nảy sinh trong lứa tuổi học đường phù hợp với cấp học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ