Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

GD&TĐ - Trong bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo về công tác cán bộ: “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm...”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Xin được lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho vấn đề mà Tổng Bí thư đã đặt ra.

Từ quan niệm “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Người từng quan niệm, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc ”Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Phải chăng, thấm nhuần tư tưởng coi trọng cán bộ của Bác kính yêu mà cách đây 5 năm, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tiến hành song song với đợt tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 khóa XI.

Còn nhớ, gần 2 tháng sau khi thành lập chính quyền nhân dân trong cả nước, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (ngày 17/10/1945), Bác nêu 6 căn bệnh của cán bộ, công chức thời bấy giờ.

Đó là “trái phép”, do tư thù tư oán mà bắt bớ trái phép, tịch thu bừa bãi; “cậy thế”, cho mình là người của ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy; “hủ hóa”, muốn ăn ngon mặc đẹp, chi tiêu ngày càng xa xỉ, lấy của công dùng vào việc tư; “tư túng”, kéo bè kéo cánh, không tài năng gì cũng đưa vào chức này chức nọ; “chia rẽ”, bênh vực lớp này chống lại lớp kia; “kiêu ngạo”, lúc nào cũng lên mặt “quan cách mạng”, coi khinh quần chúng.

Đúc kết kinh nghiệm hoạt động của bộ máy chính quyền từ sau ngày giành được độc lập, tháng 10/1947, Bác cho ra đời tập sách “Sửa đổi lối làm việc”, một cẩm nang gối đầu giường của đông đảo cán bộ, đảng viên. Bác nghiêm khắc đòi hỏi từng tổ chức, từng người: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới nhanh chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.

Từ năm 1952, Bác Hồ đã lưu ý và kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Người nói: “Tham ô là kẻ cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất có hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Muốn trừ nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.

Thời điểm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cùng với việc phê phán chủ nghĩa cá nhân, Bác luôn đề cao đạo đức cách mạng và chỉ rõ người cách mạng phải kiên quyết loại trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đầu óc mình. Bác đã khẳng định: “Cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân”…

Một cuộc chỉnh đốn Đảng quyết liệt

Trong những năm qua, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đã tạo sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái về đạo đức “không có vùng cấm” trong thời gian qua đã tạo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, công tác cán bộ vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém , bức xúc nhất là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm,... của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Vấn đề này đang làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy yếu Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Phát huy những kết quả bước đầu của đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTƯ4 khóa XI, Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đã nâng lên một tầm cao mới có tính chiến lược về công tác cán bộ. Trong đó đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa "xây" và "chống"; giữa "đức" và "tài"; giữa "hồng" và "chuyên"; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa kế thừa và phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp Ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của Đảngmỗi người chúng ta hãy luôn nghiêm khắc với bản thân mình và thường xuyên nhắc nhở nhau khắc phục những vi phạm, thiếu sót đã được làm sáng tỏ, đấu tranh kiên quyết với những vi phạm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những người cố tình đi ngược lại kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước và kỷ cương xã hội”.

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh nhật Bác giữa thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta tập trung vào những nhiệm vụ đổi mới cấp bách về công tác cán bộ, chúng ta càng thấy thấm thía hơn về những lời dạy của Người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.