Trước đây, dù chưa bao giờ ra tranh cử, nhưng mọi người đều biết ông Castillo nhờ từng dẫn dắt cuộc đình công năm 2017 của giáo viên Peru.
Tuổi thơ dữ dội
Pedro Castillo sinh năm 1969 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc tỉnh Chota, vùng Cajamarca, Tây Bắc Peru. Ông là con thứ 3 trong số 9 anh chị em. Chứng kiến cuộc sống vất vả của bố mẹ, ông muốn được học hành tử tế, nhưng trong hoàn cảnh của ông, điều đó không dễ dàng. Ông phải đi bộ 2 giờ mỗi ngày để đến trường, dọc theo những con đường dốc men vách núi. Từ năm 12 tuổi, ông đã cùng với cha mình làm việc theo mùa tại các đồn điền cà phê cách nhà 140 km.
“Cha mẹ tôi không biết chữ. Đối với tôi, tốt nghiệp THPT là một thành công lớn. Và tôi đã làm được điều đó nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, anh chị em” - Pedro Castillo nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Pedro Castillo vào học ngành Giáo viên tiểu học tại một trường đại học ở địa phương. Sau đó, ông học tiếp tại Đại học César Vallejo và trở thành Thạc sĩ tâm lý giáo dục.
Nói về quãng thời gian đi học, ông Pedro Castillo kể: “Tôi vừa đi học vừa làm mọi việc để kiếm sống. Tôi làm việc trên các đồn điền cà phê. Tôi đến thủ đô Lima để bán báo. Tôi đi bán kem. Tôi lau dọn nhà vệ sinh trong các khách sạn. Tôi nhìn thấy thực tế cuộc sống khắc nghiệt của những người lao động ở nông thôn và thành thị”.
Song song với việc học tập và làm thêm, vào những năm 1980, Pedro Castillo tham gia đi tuần đường phố trong đơn vị tuần tra địa phương “Ronda Campesina”. Những người nông dân đã thành lập các đơn vị tuần tra này để chống lại các chiến binh của tổ chức khủng bố “Con đường sáng”. Trong thời gian công tác, ông Castillo nổi tiếng là một người trung thực, hăng hái và được những người đồng hương tín nhiệm.
Thầy giáo tài năng và nhiệt huyết
Năm 1995, Pedro Castillo trở về quê và công tác tại chính ngôi trường mà ông từng học. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Vào những buổi sáng, ông lên lớp, sau đó nấu bữa trưa cho học sinh và dọn dẹp lớp học. Theo ông, học sinh trong trường lúc nào cũng đói, khi ốm đau không được chăm sóc y tế bình thường.
Các gia đình và nhà trường chưa từng nhận được viện trợ của nhà nước. Khu vực nông thôn và miền núi ở Peru vốn không được các quan chức quan tâm. Cùng với các tình nguyện viên của địa phương, ông thậm chí còn làm một con đường giúp học sinh đến trường. Nhưng đường này chỉ có thể đi an toàn vào mùa hè khi thời tiết tốt.
Năm 1999, ông Castillo kết hôn với cô giáo Lilia Paredes. Họ sinh được 3 người con: 2 con gái Jennifer (23 tuổi), Alondra (6 tuổi) và cậu con trai Arnol (16 tuổi).
Nghề giáo viên ở Peru lương thấp, nhưng rất được kính trọng, vì vậy chẳng bao lâu Pedro Castillo được mời phụ trách Công đoàn giáo dục thống nhất Peru. Ông làm việc rất nhiệt tình để giúp đỡ những người gặp khó khăn, và năm 2002 thậm chí còn ra tranh cử thị trưởng Angia, nhưng không trúng cử. Từ năm 2005 - 2017, ông lãnh đạo chi nhánh địa phương của đảng trung tả “Peru có thể”.
Năm 2017, Pedro Castillo lãnh đạo cuộc đình công của giáo viên trên toàn quốc kéo dài gần 80 ngày và ảnh hưởng đến nhiều khu vực phía Nam của Peru. Những người đình công yêu cầu tăng lương và thanh toán các khoản nợ lương, sửa đổi hệ thống đánh giá năng lực sư phạm và tăng ngân sách cho giáo dục. Các cuộc đình công của giáo viên đã từng diễn ra trước đó, nhưng vào năm 2017, quy mô của nó lớn đến mức Tổng thống phải đích thân tham gia giải quyết.
Kết quả là, sau khi đàm phán, chính phủ đã tăng lương và dành một số ưu đãi cho giáo viên. Còn Pedro Castillo trở thành người nổi tiếng. Sau cuộc đình công, một số đảng cùng lúc đề nghị ông tham gia tranh cử vào Quốc hội, nhưng Castillo từ chối. Ông tham gia đảng “Peru tự do”, về sau trở thành một đảng chính trị, và tiếp tục làm việc tại trường phổ thông.
Tổng thống nghèo nhất
Cuộc sống của ông, rất có thể, đã trôi qua bình lặng nếu không có đại dịch Covid-19. Đại dịch đã buộc tất cả các trường phổ thông chuyển sang dạy học từ xa. Chính phủ hứa sẽ mua máy tính bảng cho tất cả học sinh, nhưng không thực hiện. Ông Castillo dạy lớp 5 và 6, mỗi lớp có 20 em, nhưng chỉ 3 em có điện thoại di động.
Tình thế khó khăn này buộc ông ra tranh cử Tổng thống với khẩu hiệu “Sẽ không có người nghèo ở một nước giàu”. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Castillo nói rằng khi lên nắm quyền, ông sẽ xây dựng hiến pháp mới, mở rộng sự tham gia của nhà nước vào nền kinh tế. Ngoài ra, Pedro Castillo hứa sẽ tạo ra một triệu việc làm mới, đấu tranh chống nghèo đói và nâng cao trình độ học vấn.
Tại một cuộc vận động tranh cử ở thủ đô Lima, Pedro Castillo hứa nếu đắc cử, ông sẽ không nhận lương Tổng thống và tiếp tục sống bằng lương giáo viên, đồng thời sẽ cắt giảm một nửa lương của các bộ trưởng và thành viên Quốc hội. Người Peru gọi Pedro Castillo là “Tổng thống nghèo nhất của Peru”.
Các cuộc thăm dò dư luận không dự báo thắng lợi của Pedro Castillo. Một vài tuần trước khi diễn ra vòng một cuộc bầu cử, ông bắt đầu đi diễn thuyết ở các thị trấn và vận động người dân địa phương.
Điều này mang lại kết quả thật bất ngờ. Trong vòng đầu tiên, Pedro Castillo giành được 19,1% số phiếu bầu và lọt vào vòng hai. Sau khi giành chiến thắng trong vòng một, Castillo bắt đầu thành lập liên minh cánh tả rộng rãi với các lực lượng chính trị khác ở Peru, kể cả các tổ chức công đoàn.
Mặc dù, chưa đủ kinh nghiệm và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong chiến dịch tranh cử, Pedro Castillo đã đắc cử Tổng thống Peru. Ông giành được 50,1% số phiếu bầu, vượt đối thủ 0,25%. 8,8 triệu cử tri Peru đã bỏ phiếu cho Pedro Castillo.
Tại lễ nhậm chức, Pedro Castillo tuyên bố, ông sẽ phá vỡ truyền thống và sẽ không sống trong Dinh Tổng thống. Ông có ý định chuyển tòa nhà này cho Bộ Văn hóa mới để làm bảo tàng. “Chúng tôi sẽ phát triển mô hình Peru đích thực, dựa trên sự đa dạng và nền văn hóa của đất nước chúng ta, suy nghĩ về những con người cần sự thay đổi thực sự”, ông nói.
Các nhà kinh tế cho rằng, do chính quyền thay đổi liên tục và khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, Pedro Castillo sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Liệu Tổng thống mới có thực hiện được những lời hứa của mình? Thời gian sẽ trả lời.