Ùn ùn cúng dâng sao, giải hạn
Cứ sau Tết Nguyên đán, người dân lại ùn ùn tìm đến các chùa, đền, phủ, điện để làm lễ dâng sao giải hạn.
Giá dâng sao, giải hạn cầu an mỗi nơi một khác. Chị Nguyễn Thùy L. (Đoàn Thị Điểm, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dù sao xấu hay đẹp, năm nào gia đình cũng dâng sao, cầu an ở chùa Bà Ngô (Nguyễn Khuyến) với chi phí 300 nghìn đồng/nhà. Còn chị Nguyễn Thu H. (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) lại tham gia cầu an ở chùa Đồng Quang với 500 nghìn đồng/nhà. “Năm nào cũng đều đặn làm, có hạn thì giải, không thì cũng cầu bình an cho cả nhà”, chị H. cho hay.
Còn tại chùa Chèm, gia đình chị Nguyễn Hồng N. (Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội) cũng đăng ký cầu an cho cả nhà từ trước Tết với chi phí 1 triệu đồng/nhà. “Năm nay ông xã nhà chị ứng sao La Hầu, các cụ bảo không tốt nên cần phải giải hạn. Chị vẫn quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, chị N. chia sẻ.
Ở chùa Phúc Khánh, số lượng các gia đình đăng ký dâng sao, giải hạn năm nào cũng đông khủng, lệ phí 150 nghìn đồng cho một lễ giải sao, lễ cầu an là 200 nghìn đồng/nhà.
Mới đây, mùng 8 tháng Giêng, hàng nghìn người đã tới chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) để hành lễ dâng sao giải hạn, trong đó đa số phải ngồi ngoài đường hàng tiếng đồng hồ suốt thời gian diễn ra nghi lễ. Đây là hình ảnh thường bắt gặp trong nhiều năm gần đây tại chùa Phúc Khánh.
Cầu an, giải hạn phải bằng chính tâm đức
Việc cầu an giải hạn cho nhân dân phải làm bằng chính tâm đức của mình, không thu tiền của nhân dân
Chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh cho hay, tín ngưỡng của Thần Tiên và Đạo Giáo thì trong Thiên Giới có các vị thần cai quản mọi sự ở trần gian, có những vị thần trừ tà diệt ác, có những vị thần ban tài ban lộc, có vị thần ban phúc ban thọ ... do vậy cầu an và giải hạn đều là những nguyện vọng tốt đẹp, không sai trong tín ngưỡng và đạo đức.
Tuy nhiên mấy năm gần đây nhiều chùa, trong đó có chùa Phúc Khánh tổ chức giải hạn cho nhân dân có sai không? Trong giáo lý nhà Phật không có nói đến sao La Hầu, Kế Đô... vậy nhà sư đọc kinh Phật để giải sao là báng bổ chân lý của đạo Phật. Nếu cầu an cho nhân dân thì đúng tinh thần của đạo Phật, nhưng hình thức phải đóng tiền mới được giải hạn cầu an, hoặc mua vé mới được vào đền chùa... thì không đúng tinh thần hỷ xả và phụng đạo, làm hoen ố đạo đức và nhân phẩm con người, lại mắc tội bất kính với đạo.
“Việc cầu an giải hạn cho nhân dân phải làm bằng chính tâm đức của mình, mình phải phát nguyện tự làm cho dân, không được thu tiền của nhân dân bằng bất kỳ hình thức nào, cả một năm hưởng lộc tiền công đức mà đầu năm lại thu tiền của dân mới giải hạn cầu an cho dân thì thật là bất kính với dân. Nếu có doanh nghiệp nào tài trợ để cầu an giải hạn cho dân thì tốt mà không có thì các thầy phải tự bỏ tiền túi của mình ra mà làm đó mới là chân tu, đạo nào cũng vậy thôi”, ông Huỳnh nhận định.
Cũng theo ông Huỳnh, nếu được chính quyền cho phép, nhân dân ủng hộ thì làm lớn quy mô, nếu chính quyền không cho phép, thì tự mình lập đàn cầu nguyện cho nhân dân cũng chẳng sao cả đó mới là chân tu, đó mới là người của đạo.
Năm ngoái ông Huỳnh làm lễ cầu an và giải hạn thái tuế cho nhân dân ở đền Quán Thánh, không ai phải đóng tiền, vào đền cũng không phải mua vé, mà còn được phát lộc đầu năm, thế mà cuối buổi lễ cũng thu được 99 triệu tiền cung đức. Tất cả đều được ông dâng hết lên đền để ban quản lý hương khói.
Năm nay, ngày 19 tháng Giêng ông Huỳnh sẽ lại cầu an và xin Thần Tiên giải hạn cho nhân dân ở đây.