Tủ sách dùng chung tiếp sức trò nghèo

GD&TĐ - Mô hình “Tủ sách dùng chung” không chỉ giúp học sinh tiếp cận các loại sách hay, kiến thức bổ ích, mà còn góp phần hỗ trợ trò khó khăn...

Học sinh Trường THCS xã Đăk Pxi đọc sách tại “Tủ sách dùng chung”.
Học sinh Trường THCS xã Đăk Pxi đọc sách tại “Tủ sách dùng chung”.

“Mũi tên” hướng tới nhiều đích

Mô hình “Tủ sách dùng chung” được Trường THCS xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) triển khai từ năm học 2020 - 2021. Hằng năm, nhà trường duy trì 52 bộ sách giáo khoa và hơn 1.600 sách tham khảo, truyện tranh…

Để làm phong phú nguồn sách, mỗi năm, nhà trường trích một phần kinh phí trang bị thêm các đầu sách giáo khoa, sách tham khảo. Bên cạnh đó, trường vận động cha mẹ học sinh, tổ chức từ thiện quyên góp, tặng sách. Trường cũng không quên tuyên truyền về vai trò, lợi ích của việc đọc sách đến học sinh. Dần dần khiến các em thấy yêu thích, đam mê và xem sách như người bạn.

Theo thầy Tạ Ngọc Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk Pxi, nhờ sự tuyên truyền, ý thức tự giác, số lượng học sinh có nhu cầu đọc, mượn sách tăng lên mỗi năm. Đầu năm học, nhà trường giao sách cho học sinh có nhu cầu mượn, còn lại lưu tại tủ sách dùng chung phục vụ nhu cầu đọc trong năm học.

Không chỉ giúp học sinh nâng cao tri thức, mô hình “Tủ sách dùng chung” còn góp phần giáo dục học sinh biết sẻ chia, giúp đỡ người khác và nâng cao ý thức giữ gìn sách vở. Sau khi kết thúc năm học, em Y Tâm Như - học sinh lớp 7A (Trường THCS xã Đăk Pxi) gói ghém cẩn thận bộ sách giáo khoa đã dùng và tặng lại cho nhà trường để giúp đỡ các bạn khó khăn.

Tương tự, Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) là một trong những đơn vị phát huy tốt hiệu quả mô hình “Tủ sách dùng chung”. Mô hình được triển khai tại trường cách đây 4 năm. Hiện duy trì hơn 2.900 đầu sách, gồm: Sách giáo khoa, tham khảo, thiếu nhi...

Với mong muốn số lượng ngày càng đa dạng, nhà trường phát động phong trào quyên góp sách từ giáo viên và học sinh. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách và đầu tư mua thêm sách giáo khoa, tham khảo phục vụ nhu cầu của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Long cho biết, toàn trường có 1.091 học sinh, trong đó có 478 em hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện trang bị sách giáo khoa phục vụ việc học.

Do đó, mô hình “Tủ sách dùng chung” không chỉ tạo điều kiện để học sinh tiếp cận đa dạng các loại sác, mà còn giúp nhiều gia đình tiết kiệm kinh phí, giảm bớt gánh nặng kinh tế. Đây cũng là cách để nhà trường giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí…

Gia đình thuộc hộ cận nghèo nên mỗi năm học mới Y Mút - học sinh lớp 9A (Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Long) rất khó để sắm sửa đồ dùng học tập, sách vở đến trường. Nắm được hoàn cảnh của em, nhà trường chủ động cho mượn một bộ sách giáo khoa từ “Tủ sách dùng chung”.

“Em rất vui và cảm ơn thầy, cô. Em sẽ cố gắng học tốt và giữ gìn sách sạch đẹp để cuối năm trao trả lại cho nhà trường”, em Y Mút nói.

tu sach dung chung tiep suc tro ngheo (1).jpg
Cô Trần Thị Thu Thủy tặng sách giáo khoa cho học sinh khó khăn.

Sẻ chia khó khăn

Không chỉ huyện Đăk Hà, những năm học qua, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, chú trọng việc trường học ở vùng thuận lợi hỗ trợ, sẻ chia với nơi khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Năm học nào cũng vậy, cô Trần Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum) lại kết nối nhà hảo tâm để hỗ trợ sách, vở cho học sinh các trường vùng khó.

Năm học 2024 - 2025, cô Thủy đã kêu gọi, hỗ trợ 216 bộ, với trên 2.000 quyển sách giáo khoa trao tặng 14 đơn vị, trường học vùng sâu, vùng xa. Cùng đó, cô huy động hơn 2.000 quyển vở, hàng chục bộ đồng phục giúp đỡ học sinh khó khăn có điều kiện tốt nhất khi đến trường.

“Ở vùng thuận lợi, các gia đình sắm quần áo mới, bộ sách giáo khoa cho con là việc đơn giản. Nhưng ở nơi khó khăn khi cái ăn, mặc người dân còn lo chưa đủ thì việc chuẩn bị cho năm học mới rất vất vả. Do đó, tôi và nhà hảo tâm cùng chung tay sẻ chia, mang những phần quà ý nghĩa đến vùng sâu, xa để các em vui vẻ, phấn khởi bước vào năm học mới”, cô Thủy bày tỏ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Giáo dục TP Kon Tum đã huy động hơn 5 tỷ đồng ủng hộ học sinh các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum, thời gian tới, đơn vị tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng, sửa chữa các trường học, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn. Bên cạnh đó, tặng sách vở, dụng cụ học tập và triển khai hiệu quả Chương trình “Sách cũ cho năm học mới”, “Tủ sách dùng chung” đảm bảo các điều kiện học tập cần thiết cho học sinh vùng khó khăn.

Nhờ sự vào cuộc của học sinh, giáo viên các trường, năm học 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum huy động được hơn 12.000 bộ sách giáo khoa. Để đảm bảo nguồn sách sử dụng ở các trường, ngành Giáo dục duy trì chương trình “Tủ sách dùng chung” và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để trang bị sách cho các trường.

Qua đó nhiều học sinh nghèo, khó khăn được hỗ trợ sách, đảm bảo nhu cầu dạy - học trong năm học mới. Đồng thời tuyên truyền, xây dựng ý thức cho học sinh giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng lâu dài.

Ông Tạ Ngọc Ngọ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cho hay, 22 trường trên địa bàn đều triển khai mô hình “Tủ sách dùng chung”. Mô hình này không chỉ góp phần hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị sách đầy đủ, mà còn tránh lãng phí nguồn sách. Không những vậy, phong trào đọc sách trong các trường học cũng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ