Thông qua các hoạt động này, nhiều học sinh đã được thỏa niềm đam mê đọc sách và nâng cao kết quả học tập.
Cho đi tri thức để nhận lại tri thức
Với mục tiêu cải thiện chất lượng học tập, nâng cao khả năng đọc và bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho học sinh, Trường Tiểu học Hưng Phú B đã linh hoạt đưa thư viện trở thành nơi thu hút học sinh nhất. Chính vì nhu cầu học tập đòi hỏi phải mở rộng kiến thức cũng như kỹ năng của trẻ ở độ tuổi tiểu học, trường đã phát động phong trào Tuần lễ tặng sách dành cho giáo viên và học sinh.
Bắt đầu từ năm học 2012 - 2013 nhưng đến năm học sau phong trào mới nở rộ. Nhà trường tổ chức vận động học sinh từ dịp khai giảng đến cuối năm tổng kết. Sau 9 tháng học đã thu hút khoảng 100 em ở các khối lớp tặng sách cho thư viện. Cũng vì vậy, các em rèn được cách bảo quản sách cẩn thận còn như mới để trao lại cho bạn.
Em Đoàn Hồng Như Ngọc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hưng Phú B hào hứng nói: “Ở trường học em cùng các bạn trong lớp thích đọc sách vào giờ ra chơi. Chúng em thường đọc truyện tranh về gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cổ tích. Những sách được cha mẹ mua khi đọc xong em đem tặng vào thư viện để các bạn khác được đọc và em cũng được đọc sách bạn khác tặng”.
Đến hiện tại, Tuần lễ tặng sách đã có trên 1.000 quyển sách của các em trao tặng cho thư viện của trường. Trong đó là những bộ sách giáo khoa, những cuốn truyện tranh thiếu nhi, sách về tấm gương người tốt việc tốt, nhân vật lịch sử… Sách đều phù hợp với môi trường giáo dục, phù hợp với lứa tuổi của các em, hơn nữa những cuốn sách đều có nội dung gần với chương trình học.
Cô Huỳnh Thu Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Phú B, bày tỏ: “Học sinh khó khăn đều được nhà trường hỗ trợ sách để học tập. Thông qua các cuộc họp, phụ huynh học sinh cuối năm được giáo viên chủ nhiệm thông báo cho các em mượn sách ở năm học tiếp theo. Bằng quyết tâm khơi dậy không gian văn hóa đọc, tạo thói quen học tập tốt, nhà trường sẽ không để các em thiếu sách khi đến trường. Ngoài ra, những em tặng lại sách cho thư viện đều được ghi nhận để kịp thời khen thưởng”.
Thông qua mô hình này là điểm nhấn cho tín hiệu tích cực về văn hóa đọc sách của trò trường huyện, các em thay đổi nhận thức về tính tự học, tự giác tìm kiếm kiến thức cho mình, trau dồi kiến thức đáp ứng mục tiêu giáo dục. Bản thân học sinh vùng sâu rất cần sách thì học trò ở đây lại biết chia sẻ sách giúp đỡ nhau, biết cho đi tri thức để nhận lại tri thức. Không mải mê những trò chơi điện tử vô bổ, không đòi hỏi thư viện hiện đại đạt chuẩn, cách đọc sách truyền thống vẫn “hút” trò nhỏ lựa chọn sách mình thích.
Cô Huỳnh Thu Nga cũng cho rằng, trẻ biết đoàn kết cùng nhau vượt qua thử thách để tiến bộ trong học tập từ sách, cũng là cách giáo dục trẻ tự ý thức được trách nhiệm, san sẻ với cộng đồng từ những điều thiết thực nhất. Hầu hết các em dành giờ ra chơi để đọc sách cùng bạn tạo môi trường giáo dục lành mạnh.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Thư viện trường học vùng sâu, vùng xa thường khó thu hút học sinh đến tìm sách do đầu sách chưa phong phú. Do đó, sự đầu tư, chia sẻ sách cho thư viện trường học vùng khó là việc làm hết sức ý nghĩa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, văn hóa đọc trong trường tiểu học cần được phát huy. Việc đọc sách hỗ trợ rất lớn đến năng lực học tập của học sinh đầu cấp, tác động trực tiếp đến khả năng đọc, nói, khả năng tư duy...
Cô Huỳnh Thu Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Phú B, nhấn mạnh: “Đối với học sinh vào lớp 1, giáo viên thường động viên các em đọc sách để giúp rèn luyện cách đọc chữ lưu loát hơn, phản xạ nhận mặt chữ tốt hơn. Học sinh từ khối 2 - 5, đọc sách để rèn cho các em vốn từ ngữ tiếng Việt cũng như luyện từ và câu, vốn từ phong phú cho bài tập làm văn…”.
Khác biệt rõ rệt nhất ở ý thức đọc sách của các em, dù là trường cách xa trung tâm thế nhưng môi trường này sôi nổi về phong trào với sách. Nhờ có Tuần lễ tặng sách nên các em có nhiều sách phong phú, thỏa thích khám phá. Có lúc thư viện không đủ chỗ ngồi nên thời gian nghỉ giữa buổi các em mượn sách đem về lớp, đọc sách ở ghế đá, gốc cây.
Trường Tiểu học Hưng Phú B còn linh hoạt đưa sách đến với trò bằng các hoạt động như “Giới thiệu sách”. Đây là cách học sinh tặng sách phải tóm gọn nội dung cho các bạn đọc khác biết về cuốn sách hay. “Kể chuyện theo sách”, nhằm hướng học sinh tham gia nhớ về câu chuyện tâm đắc tự kể lại trong niềm yêu thích của mình. Thói quen đọc sách đưa học sinh năng động với hoạt động ngoại khóa, trẻ tự trang bị kỹ năng sống cho mình dưới sự hướng dẫn của thầy cô…
Nhà trường còn làm tủ sách di động để sách được đẩy đi, đưa đến những nơi trong khuôn viên trường học thuận tiện cho các em đọc. Có từ năm học 2016 - 2017, chiếc xe sách đã phát huy được tác dụng rất lớn, đem sách đến cho học trò, cũng là chiếc xe lưu giữ bài học lý thú cho trò. Sách và học sinh luôn có sự gắn kết, như sách có “chân” để tung tăng chạy vào miền tri thức của trẻ.
Phần thưởng xứng đáng dành cho học sinh tặng sách là khen thưởng của nhà trường với tên gọi “dũng sĩ tiết kiệm sách”, “dũng sĩ tặng sách”… Từ sự chung tay chia sẻ, các em học sinh đã có đóng góp ý nghĩa để xây dựng nguồn sách cho nhà trường, đẩy mạnh phong trào đọc sách. Với hiệu quả từ phong trào ý nghĩa này, phụ huynh học sinh cũng đồng thuận cao và chung tay đặt ghế đá sân trường dành cho các em đọc sách vào giờ giải lao. Để nguồn sách thêm phong phú, nhà trường cập nhật đầu sách từ kinh phí hoạt động; bổ sung sách có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh…