Từ sắc đỏ nhiễu điều đến quê hương trên non

GD&TĐ - Vào những dịp lễ trọng, mọi người thường nghĩ nhiều nhất đến cội nguồn, quê hương, nội tộc, gia đình, cộng đồng, Tổ quốc…

'Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng' (Ca dao). Ảnh minh họa: INT.
'Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng' (Ca dao). Ảnh minh họa: INT.

Như vậy cũng là nặng lòng yêu thương, trân trọng cái đẹp muôn thuở về cả tinh thần và vật chất.

Và, khi tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian, chúng ta nghe vang vọng những lời ca dao, tục ngữ vô cùng tươi tắn và thâm thúy. Mấy câu tục ngữ thuộc dạng thơ lục bát dưới đây là những thí dụ tiêu biểu.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương…

Trước tiên, phải nói đến câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Theo truyền thống tín ngưỡng của dân tộc ta, ảnh thờ ông bà, tổ tiên phải được đặt trong khung kính có giá đỡ, dựng trên bàn thờ cẩn thận, chu đáo và thường thường được trùm phủ lên bằng một tấm vải. Vải ấy là loại vải nhiễu màu đỏ (nhiễu điều). Người thân yêu dù đã khuất bóng, vẫn còn để lại hồn thiêng, cho nên di ảnh cũng luôn luôn phải kính cẩn giữ gìn, chăm sóc.

Đây là lời nhắn nhủ, khuyên dạy quý báu mà tổ tiên ta nhiều đời qua truyền lại cho con cháu. Câu đầu tiên, tác giả dân gian nói đến tình yêu thương đối với gia đình, tổ tiên, câu sau nói đến tình yêu thương đối với cộng đồng xã hội, nhân dân, Tổ quốc.

“Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn” cũng là lời nói có hình ảnh của dân gian. Đất đai nước ta từ nghìn xưa có rất nhiều sông suối, ao hồ. Ở làng quê, ngoài ao nhà, còn có ao làng, giếng làng.

Ao nhà, ao làng là không gian địa lý ở phạm vi rất hẹp, là biểu trưng của xóm làng quê kiểng, nhà tranh vách đất. Tắm ao (chứ không phải đơn thuần là tắm táp ở ao) là một kiểu, một nếp sinh hoạt văn hóa nông thôn.

Dù đi đến đâu, xa quê đến bao lâu, cũng không thể quên được ao nhà, ao làng những khi ta tắm mát, có bè rau muống, chum tương ở mé sân đang ngóng đợi. Dẫu trong đục thế nào thì về tâm lý, ao nhà mình, sông suối quê mình vẫn là mát mẻ, trong lành nhất.

Tương tự, còn có câu: Trâu ta ăn cỏ đồng ta... Những câu ca dao như vậy xuất hiện từ khi làng quê Việt Nam còn bị bó hẹp bởi lũy tre xanh. Ngày nay, mọi người đã tỏa đi khắp bốn phương trời để làm ăn, giao lưu, thì quê hương không chỉ là nơi cắt rốn chôn rau ở buổi đầu đời, hoặc quê bố, quê mẹ. Đất lành chim đậu. Tất cả mọi miền trên Tổ quốc đều là quê hương.

Ai đi xa cũng luôn luôn nhớ về xóm làng mình, Tổ quốc mình. Dân gian đã nói: “Chim ham trái chín ăn xa/Nhớ nguồn lại hướng cây đa tìm về”. Trong thiên nhiên có hiện tượng một số loài trở về nguồn cội, chẳng hạn đàn cá theo sông suối bơi ngược lên rừng.

Hoặc những con vật nuôi tìm lại nhà mình sau khi đã trải qua một đoạn đường rời xa quá dài. Câu tục ngữ đang bàn đến này cũng nói về những loài chim trở về nguồn cội. Tuy nhiên, sự nhớ lại, sự trở về của động vật khác hẳn con người. Người ta đi xa một cách tạm thời hay dài lâu, đều luôn luôn nhớ về quê hương, Tổ quốc.

Cây đa, giếng nước, mái đình, bến sông, lũy tre xanh... là những hình ảnh, những biểu trưng của làng quê Việt Nam cổ truyền. Chúng ta không chỉ luôn luôn nhớ, hướng về, hình dung về quê hương, cội nguồn, mà quan trọng hơn là trở về thăm, gặp lại người thân, gặp lại cây đa, ôn lại kỷ niệm xưa, thắp hương cúng gia tiên.

Câu vừa dẫn nói đến chim, câu dưới đây nói đến ngựa: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm/Người thương có nghĩa trăm năm cũng về”. Cách nói quen thuộc của tục ngữ, ca dao là vế đầu nói đến thiên nhiên, loài vật, đồ vật..., vế sau nói đến con người, nhằm tạo nên sự so sánh, liên hệ về ý nghĩa.

Dùng cái xa xôi để nói điều gần gũi hoặc dùng cái gần gũi để nói điều xa xôi. “Ngựa quen đường cũ”, đã có câu tục ngữ như thế. Ngựa cũng như một số loài gia súc khác khi đi xa đều nhớ đường trở về nhà. Câu tục ngữ nêu trên tuy cùng lúc nói đến ngựa và người nhưng không đặt ngựa ngang với người. Ý nghĩa của câu tục ngữ được thể hiện ở vế thứ hai.

Người có suy nghĩ đúng đắn, có tình, có nghĩa thì luôn luôn nhớ đến tổ tiên, quê hương, gia đình, người thân. Chuyện “trăm năm” ở đây không chỉ bó hẹp ở chuyện hạnh phúc vợ chồng.

Thời gian trăm năm nên hiểu là thời gian của đời người. Đi đâu thì đi, dù đằng đẵng xa cách, mọi người vẫn hướng về, quay về chốn cũ, ở đó có những người thân yêu, căn nhà có bàn thờ tổ tiên; làng quê có cây đa, bến nước, sân đình.

Chúng ta không thể không liên tưởng đến những câu thơ dân gian quen thuộc khác: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Người người thờ phụng tổ tiên, hướng về quê nhà và thương yêu đồng loại. Từ thuở ấu thơ, chúng ta đã đi vào giấc mơ, khi mẹ ru: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Chúng ta đi vào giấc mơ, khi mẹ ru: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn'. Ảnh minh họa: INT.

Chúng ta đi vào giấc mơ, khi mẹ ru: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn'. Ảnh minh họa: INT.

Ở sao như quế trên non …

Từ nghìn xưa, người Việt Nam, kể cả nam hoặc nữ, thuộc nhiều lứa tuổi, đều trân quý, trân trọng hoa, biết thưởng ngoạn sắc đẹp và hương thơm của nhiều loài hoa. (Tục ngữ còn có câu “Người ta là hoa đất”. Hoặc ca dao: “Ra đường thấy cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta”).

Hoa sen, hoa hồng, hoa tầm xuân, hoa mai, hoa lan, hoa cúc… làm bạn với người trong đời sống hằng ngày. Hoa cũng tưng bừng khoe sắc, tỏa hương thơm ngát trong văn chương. Hoa là biểu tượng của cái đẹp, tượng trưng cho văn hóa vật thể và phi vật thể. “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”.

“Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng/ Thơm cây đến rễ, người trồng cũng thơm”. Câu ca dao này ca ngợi hoa, đề cao người trồng hoa. Hương thơm của hoa do thơm lạ thơm lùng¸ đã thấm sâu vào tâm hồn người. Cũng có thể, chính người trồng hoa, do trân trọng, chăm sóc hoa bằng cả tấm lòng yêu thương mà họ trở nên tươi đẹp và tỏa ra hương thơm.

Trong nếp sống sinh hoạt ăn ở, giao tiếp hằng ngày và cả cuộc đời, mọi người nên thể hiện một cách tốt nhất, sâu sắc nhất vẻ đẹp tinh thần, đạo đức, kĩ năng sống… Cái đẹp còn lưu lại đến những đời sau. Câu tục ngữ “Ở sao như quế trên non/Trăm năm khô rụi, vỏ còn dính cây” nói chủ yếu đến cái đẹp lan tỏa, cái đẹp lưu lại.

Có nhiều loại cây cho hoa thơm, quả ngọt, nhưng khi tàn lụi thì chỉ còn là khúc gỗ trơ trơ. Quế là một trong những loài cây cho vỏ thơm, ngay cả sau khi cây đã chết. Vỏ quế là một nguyên liệu rất cần thiết để làm thuốc chữa bệnh, làm gia vị cho món ăn. Vỏ còn dính cây có nghĩa là vỏ không rụng rời vô ích, vỏ cây cũng chính là thân của cây vậy.

Mở đầu bằng cụm từ Ở sao có tính nghi vấn, đề nghị, tác giả dân gian đưa ra một lời khuyên: Mọi người nên duy trì nếp sống tích cực như cây quế trên núi rừng để mãi mãi từ đời này sang đời khác lưu lại vẻ đẹp, hương thơm.

Thơ dân gian còn có những câu khác đề cao hương thơm, vị ngọt của thiên nhiên, từng được các nhà văn nhắc đến nhiều lần: “Lên non đón gió lấy trầm/ Xui ong làm mật, giục tằm nhả tơ”. Đấy là cái đẹp vừa do cảm nhận hình ảnh, hương sắc thiên nhiên, vừa do lao động, sáng tạo thiên nhiên mà có.

Lụa tuy vóc trắng vụng cầm cũng đen...

Tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian, chúng ta nghe vang vọng những lời ca dao, tục ngữ…

Tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian, chúng ta nghe vang vọng những lời ca dao, tục ngữ…

Dân gian có không ít những câu tục ngữ rất thú vị nói đến nếp sống ứng xử văn hóa ở hai khía cạnh: Cử chỉ, việc làm và lời ăn tiếng nói. Những câu hay - tinh tế, hóm hỉnh, sắc sảo hầu hết mang dạng thơ lục bát khá nhuần nhị, giàu hình ảnh.

Cái đẹp không chỉ thể hiện ở sự vật, hình ảnh đẹp, mà còn ở cách sống đẹp, đó là suy nghĩ đẹp, tâm hồn đẹp, ứng xử đẹp… Ứng xử tại bữa ăn, có câu: “Xới cơm thì xới lòng ta/ So đũa thì phải so ra lòng người”.

Chúng ta hãy hình dung một gia đình truyền thống Việt ở nông thôn sum họp tại bữa ăn hằng ngày. Các thành viên trong gia đình ngồi xung quanh mâm (mâm đồng, mâm nhôm hoặc chõng tre). Nồi cơm đặt bên cạnh một người phụ nữ.

Đó là cô gái nhiều tuổi nhất, là con đẻ hoặc con dâu. Ngồi ở vị trí ấy gọi là ngồi đầu nồi. Cô gái ăn, lúc lúc lại ngừng để xới cơm cho mọi người. Lúc đầu vào bữa, cô gái cầm bó đũa dỗ dỗ phía đầu to xuống mặt mâm rồi so từng đôi để đặt trên mép mâm phía người đang ngồi. Đoạn, cô xới cơm vào bát (bằng đôi đũa cả, tức là đũa bằng tre dài và rộng bản), trao đến tay từng người, hoặc đặt xuống mép mâm, kèm theo lời mời nhỏ nhẹ.

Như vậy, “xới cơm thì xới lòng ta” có nghĩa người xới cơm cần có động tác gọn gàng trong phạm vi không gian hẹp sát lòng mình, không vội vàng, cũng không chậm chạp, tránh vung vẩy đũa làm cơm rơi vãi. Đơm cơm vào bát cần gọn, đẹp, không đầy quá, cũng không vơi quá.

Đối với người già và trẻ nhỏ thì tùy lượng cơm sao cho phù hợp. Tránh trao cơm cháy cho bất cứ ai, trừ khi trẻ nhỏ thích. Thêm nữa, nét mặt nên tươi tỉnh, thái độ cần hào hứng, tỏ ra có trách nhiệm đối với công việc được giao. “So đũa thì phải so ra lòng người” có nghĩa là sẻ san tình cảm, đặt trước đôi đũa về phía người chuẩn bị dùng bữa như đặt vào lòng niềm vui bằng cử chỉ và thái độ thân thiện.

Câu tục ngữ xưa nhắc nhở nết ăn, nết ở, đến nay vẫn còn mới mẻ và rất cần thiết. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” cũng là lời khuyên bổ ích. Tuy rằng hiện nay, không còn phổ biến cảnh nhà đông người, có mặt đầy đủ, thường xuyên các thành viên cùng ăn chung bữa cơm hằng ngày, nhưng nét đẹp của lối sống gia đình vẫn còn là một giá trị quý báu được lưu lại mãi mãi.

Một nhân cách, một tâm hồn đẹp được thể hiện ở nhiều ứng xử văn hóa. Hãy nghe câu tục ngữ: “Thế gian họ nói không lầm/Lụa tuy vóc trắng, vụng cầm cũng đen”. Thông điệp được câu tục ngữ nêu ra ở câu thứ hai. Câu đầu chỉ là lời khẳng định rằng điều sẽ nói dưới đây là chân lý.

Vóc vừa có nghĩa là vải vóc, vừa có nghĩa là thân hình đẹp và khỏe (sức vóc, vóc dáng). Nghĩa đen của câu này nói về một đồ vật quí màu trắng, nếu tay không sạch, lại cầm nắm hoặc sử dụng thô kệch, vụng về ắt làm bẩn nó đi. Muốn biết nghĩa bóng, hãy chú ý đến từng chữ.

Lụa: Một loại vải quý, dáng vẻ mềm mại, óng ả, tinh tế, biểu tượng của cái đẹp, phần nhiều được nhắc đến cùng với hình ảnh người phụ nữ. Trắng, đen: Hai sắc màu ngược nhau, cái này nói lên sự cao sang, tinh khiết và cái kia là đen đủi, thấp kém.

Hai chữ tuy, cũng: Có nghĩa là lẽ ra, đành vậy. Rằng, đừng tưởng cao sang là cao sang mãi mãi, nếu thuộc về người hèn mọn hoặc sa vào hoàn cảnh xấu thì cái cao sang rất có thể bị đổi màu, biến chất. Nói vụng cầm có nghĩa thiếu tinh tế, không có tâm hồn, không biết rung cảm trước cái đẹp và không biết trân trọng, sử dụng cái đẹp, không biết thế nào là giá trị.

Cái tinh tế trong lời nói dân gian này chính là ở từ vụng cầm. Chỉ cầm không khéo léo thôi, đã làm hỏng vật cầm rồi. Cầm còn có nghĩa là sở hữu đồ vật hoặc con người. Phải chăng, cưới được người đẹp mà làm hỏng người đẹp thì thật là uổng phí, sai lầm.

Ngâm nga câu tục ngữ trên, người ta có thể nhớ đến câu: “Trời kia có thấu chăng trời/ Lụa đào mà vá áo tơi sao đành”. Cái đẹp, cái cao sang và xấu xí, cái bình thường, tầm thường, hèn mọn tránh để ràng buộc với nhau. Bởi như thế là cọc cạch, thiếu tinh tế, mặc dù áo tơi có giá trị riêng của người nghèo, của một thời.

Tâm thức trở về cội nguồn văn hóa dân gian vào dịp Tết đến Xuân về càng trở nên rất cần thiết nhằm hành động và ứng xử của mỗi chúng ta phù hợp Chân - Thiện - Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ