Quỳnh Anh, 33 tuổi đang sống cùng chồng, con gái 4 tuổi và cặp sinh đôi 2 tuổi trong một khu tập thể Hà Nội. Việc có 3 con nhỏ, cộng với nơi sống chật chội từng khiến Quỳnh Anh stress. Một năm nay chị thực hành theo lối sống tối giản và tìm ra cách quản lý tài chính, giờ thì ngôi nhà luôn gọn gàng, tiền bạc không khiến chị muộn phiền nữa.
Vợ chồng tôi kết hôn được 4 năm, tôi làm truyền thông, còn chồng làm sale. Khi kết hôn, hai đứa hoàn toàn không có tiền tiết kiệm. Vì không biết cách tiêu pha nên không có tiền dư hàng tháng. Sau khi có con đầu, chúng tôi thực hiện tiết kiệm nhưng vẫn không khả quan.
Cá nhân tôi ba năm liền sinh nở nên thu nhập chững lại mức 10 triệu đồng/tháng. Tôi góp vào quỹ gia đình 8 triệu đồng, chồng góp 10 triệu, nên quỹ chung khoảng 18 triệu/tháng. Ban đầu tôi chia rất nhỏ các khoản nhưng để chung tiền vào một ví, kết quả lẫn lộn hết cả vào nhau, tôi thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau.
Tôi cũng từng sử dụng các app thu chi, lập kế hoạch tài chính từng tháng bằng excel nhưng sau sinh "não cá vàng" nên không thể nhớ được và cũng không thể kè kè điện thoại để ghi chép mãi. Hàng tối, tôi vẫn mất rất nhiều thời gian để ngồi nghĩ xem tiền của mình đi đâu.
Một lần thấy em gái tôi chia tiền vào các phong bì cho các mục đích khác nhau, tôi học theo cách đó. Từ sau Tết dương lịch vừa qua, tôi bắt đầu thực hiện. Sau khi vợ chồng cùng góp quỹ, tôi chia làm 2 khoản: Chi tiêu hàng tháng và tiết kiệm. Tôi ngắt ngọn luôn 5 triệu để dành. Còn lại 13 triệu, chia làm 4 phong bì, trên mỗi phong bì viết rõ các khoản.
1. Đi chợ: 3 triệu/tháng. Nhà tôi ăn uống đơn giản. Buổi tối tôi sẽ nấu luôn phần cơm trưa hôm sau mang đi làm, còn chồng tự lo ăn ngoài. Bữa ăn đảm bảo một món mặn, rau và canh. Các con đều đã đến tuổi ăn dặm, nên tôi cũng chỉ thêm gạo, rau, đạm cho bữa ăn của các con.
2. Cho con: Phong bì này chiếm nhiều tiền nhất. Hiện tại là 8 triệu/tháng, gồm 3 triệu tiền học của cô cả, 1,5 triệu tiền bỉm, 1,5 triệu tiền sữa, 2 triệu tiền tiêm phòng.
Tôi thường cho con tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi nào cần đi dịch vụ mới cho con đi. 2 con sinh đôi gửi ông bà chăm trong ngày.
3. Mua sắm: 1 triệu/tháng, những lúc cần mua sắm lặt vặt ngoài dự định, tôi sẽ dùng khoản này.
4. Đột xuất: 1 triệu/tháng cho các khoản cưới hỏi, thăm bệnh, sinh nhật...
Trước khi khởi động kế hoạch chia tiền tiêu dùng thành 4 phong bì, chị Quỳnh Anh đã cho vào mỗi phong bì một ít tiền để có động lực. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Tôi tự thấy 4 phong bì này bao quát toàn bộ nhu cầu của cả nhà và chỉ thế là đủ. Tôi chỉ tiêu tiền đúng mục đích của từng phong bì, không lẫn lộn tiền nọ với tiền kia.
Cách này thực sự hiệu quả so với việc ghi rất chi tiết nhưng không phân loại tiền bạc. Bởi để một cục tiền trong ví bạn sẽ vẫn nghĩ bạn giàu và lại mua sắm phung phí, dù thực ra tài khoản đó đã âm, thậm chí đang tiêu lẹm vào khoản khác.
Tôi thường để trong nhà khoảng 10 triệu tiền mặt đề phòng rủi ro. Số tiết kiệm hàng tháng sẽ dồn cho đến khi chẵn 20 triệu đem ngân hàng mở sổ.
Còn lại hai vợ chồng tự tiêu dùng cá nhân. Anh ấy lo trả thêm điện, nước. Riêng tôi, chi cho bản thân chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng là thoải mái, còn 500 nghìn đồng tôi góp cùng em gái phòng bố mẹ đau yếu.
Khoản này chị em tôi đã thực hiện nhiều năm. Tôi cũng tranh thủ giờ các con ngủ dịch sách, viết bài thêm, thu nhập từ khoản này sẽ dùng để tiết kiệm và đi du lịch.
Cả hai vợ chồng tôi đều chung một tư tưởng, đó là công khai tài chính. Do đó, những khoản liên quan đến cá nhân thì chúng tôi không để ảnh hưởng đến quỹ chung. Có những bữa nhờ chồng đi chợ, xong về tôi rút tiền trả anh luôn, được cái lần nào anh cũng lấy.
Sau khi áp dụng và cắt giảm các ham muốn thừa thãi, tôi khá ngạc nhiên vì phong bì cho con cái và đi chợ hàng tháng còn thừa - cái tôi vốn nghĩ sẽ hết nhanh nhất. Thừa dù chỉ vài chục, vài trăm dồn sang tháng sau, tôi cũng thoải mái hơn và cảm thấy bớt áp lực. Cách chia thành 4 phong bì thực sự là cứu tinh với tôi.
Cũng phải nói thêm rằng, trước khi áp dụng cách này, tôi đã có gần một năm thực hành cuộc sống theo lối sống tối giản - yếu tố có tính quyết định đến quản lý tài chính đi vào nề nếp như hiện tại. Nhờ tối giản mà tôi sửa thói quen mua sắm vô tội vạ, không tích trữ đồ đạc dư thừa, do đó đỡ thời gian dọn dẹp và có nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Năm 2019 tôi đặt mục tiêu tiếp tục thực hành lối sống tối giản, theo đuổi cuộc sống thân thiện với môi trường, hướng đến làm chủ tài chính và tích lũy nhiều hơn.